Bao giờ thoát cảnh "lụy đò"?
Từ lâu nay, hàng trăm hộ dân xã Đắk Liêng và thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) sống nhờ vào diện tích đất canh tác bên kia sông Krông Ana (thuộc địa phận xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana). Do không có cầu bắc qua sông, người dân phải đi lại bằng đò nên cuộc sống gặp không ít khó khăn.
“Lụy đò” để… mưu sinh
Bến đò sang sông Krông Ana nằm tại buôn M'Liêng (xã Đắk Liêng). Chỉ có một con đò đưa khách sang sông nên thời gian chờ đợi đò thường rất lâu, phải chờ 1 - 2 tiếng mới có một chuyến.
Dẫu việc đợi đò trong thời gian 1 - 2 tiếng là chuyện thường ngày trong suốt chục năm qua, nhưng ông Y Sang Ênuôl (buôn M’Liêng, xã Đắk Liêng) vẫn không khỏi bực dọc, than phiền. Ông cho hay, nguồn sinh kế chính của gia đình từ năm 1982 đến nay đều dựa vào 5 sào đất và 7 ha lúa nước trồng bên kia sông Krông Ana.
Cũng chừng đó thời gian, gia đình ông đã phải "lụy đò" để mưu sinh. Đò chỉ hoạt động từ 7 - 18 giờ hằng ngày, mỗi lượt chở từ 5 người trở lên. Mỗi lần, gia đình có việc bên kia sông mà không kịp ra bến trước 18 giờ, ông phải vòng hơn 20 km đi đường xã Buôn Tría hoặc trả giá cao gấp 5 lần để chủ đò đưa sang sông.
Người dân qua sông tại bến đò buôn M'liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk). |
Theo ông Y Sang, trước kia nơi đây là một bến nước nhỏ của buôn, dùng nước để ăn uống, sinh hoạt. Dù nắng hay mưa, người dân vẫn đi bộ hoặc di chuyển bằng xe qua bến nước này để kiếm sống bằng việc lấy le, măng, canh tác, làm thuê…
Song, khoảng từ năm 2006, tàu khai thác cát hoạt động khiến vị trí này sâu dần xuống, hình thành nhánh sông, người dân không thể đi bộ hoặc đi xe nữa mà phải dùng thuyền độc mộc để đi lại giữa hai bờ. Tuy nhiên, việc đi lại và vận chuyển bằng phương tiện này rất khó khăn. Vào mùa thu hoạch nông sản, người dân phải vận chuyển nhiều chuyến, bởi mỗi lần qua sông chỉ chở được 4 - 5 bao. Không những vậy, tình trạng gió lật thuyền khiến nông sản trôi sạch còn thường xuyên diễn ra.
Đang đợi đi đò thăm bà con, ông Y Bhin Bkrông (buôn M’Liêng) cũng góp chuyện: “Gia đình tôi có gần 1 ha đất trồng lúa bên kia sông Krông Ana được tổ tiên nhiều đời nay để lại làm sinh kế. Nhưng năm 2023, chúng tôi phải bán đi bởi việc đi lại bằng đò khiến gia đình tôi không chủ động chăm sóc được. Mùa mưa, thửa ruộng của nhà tôi bị các hộ canh tác xung quanh xả nước vào làm lúa ngập úng, mùa khô không thể đón nước thường xuyên khiến năng suất và chất lượng giảm”.
Không chỉ bà con xã Đắk Liêng, nhiều hộ dân tại buôn Lê và buôn Jun (thị trấn Liên Sơn) có đất sản xuất, trồng trọt bên kia sông Krông Ana cũng phải… "lụy đò".
Anh Y Rôn Bkrông (buôn Jun) than thở: "Thu nhập chính của gia đình tôi trông vào 1 ha đất trồng lúa bên kia sông. Việc canh tác phụ thuộc vào đò sang sông khiến chi phí sản xuất tăng thêm khoảng 10%. Hễ trục trặc công cụ sản xuất như máy bơm nước, phun thuốc, gặt lúa… tôi phải quay về nhà để mua phụ tùng sửa chữa. Việc này không chỉ tốn kém chi phí đi lại mà còn mất nhiều thời gian đợi đò. Điều đáng nói, vào các thời điểm chở phân bón gieo sạ hoặc thu hoạch, gia đình tôi phải thuê công nông vận chuyển và trả phí qua đò 100 nghìn đồng/chuyến. Bởi vậy, tôi hy vọng Nhà nước sớm đầu tư xây dựng cầu qua sông để bà con vơi bớt khó khăn”.
Người dân xã Đắk Liêng (huyện Lắk) tự đóng thuyền gắn máy để chủ động việc đi lại qua sông. |
Cầu vẫn nằm… trên giấy
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng Phạm Viết Tùng cho biết, hiện tại mỗi ngày tại bến đò buôn M’liêng có hàng trăm lượt người sang sông. Cao điểm nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, bà con hai địa phương qua lại thăm hỏi nhau. Nếu muốn chủ động đi lại, sinh hoạt và canh tác, người dân có thể đóng thuyền gắn máy nhưng chi phí rất cao (trên 20 triệu đồng/chiếc), khó quản lý tài sản và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Những bất cập trên đã được bà con phản ánh trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri các cấp. Khoảng 10 năm trước, chính quyền xã cũng đã kiến nghị xây dựng cầu treo để người dân đi lại nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Theo Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Lắk, giai đoạn 2017 - 2021, địa phương đã khảo sát để bố trí xây dựng cầu theo Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương của Bộ Giao thông vận tải (Dự án LRAMP). Tuy nhiên, qua khảo sát, vị trí lòng sông khá rộng nên không đủ kinh phí để xây dựng cầu.
Năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND huyện Lắk khảo sát, điều tra tình hình để xây dựng nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận. UBND huyện cũng đã tính toán, điều chỉnh để đưa hạng mục xây dựng cầu vào Danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng rất lớn, nguồn vốn không thể đáp ứng nên việc sử dụng vốn đầu tư công của huyện để thực hiện là không khả thi. Bởi vậy, chính quyền địa phương kiến nghị các sở, ngành liên quan sớm xem xét, quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng cầu qua sông để giúp bà con yên tâm sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc