Multimedia Đọc Báo in

Đùa vui “ảo”, chịu trách nhiệm“thật”

17:09, 30/09/2024

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố hàng chục nghìn trang sao kê số tiền ủng hộ từ thiện.

Lợi dụng thông tin này, trên mạng xã hội một số cá nhân cố tình “phông bạt”, ủng hộ ít mà lại chỉnh sửa số tiền trong xác nhận chuyển khoản thành con số lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần; có những trường hợp không làm sai gì cũng “gặp hạn” vì nội dung tin nhắn chuyển khoản gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến uy tín.

Mới đây, cộng đồng mạng xã hội xôn xao với hình ảnh sao kê một tài khoản ủng hộ 10.000 đồng kèm theo nội dung là "tap the ae rap xiec trung uong ung ho".

Nhiều bình luận phê phán rằng rạp xiếc trung ương là một đơn vị lớn, tại sao lại có thể ủng hộ 10.000 đồng? Liên đoàn Xiếc Việt Nam sau đó đã lên tiếng cho biết thông tin ủng hộ 10.000 đồng là không đúng sự thật; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng, điều tra làm rõ.

Công an huyện Ea H’leo xử phạt trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc ở cư kuin
Công an huyện Ea H’leo xử phạt trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc ở Cư Kuin. Ảnh: Hà Anh

Khi Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP. Hà Nội vào cuộc, xác minh thì hóa ra thông tin đó là từ một số cá nhân lập nhóm trên ứng dụng Facebook Messenger có tên là "Rạp xiếc trung ương", hoàn toàn không liên quan gì đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Một cá nhân trong nhóm đã tự chuyển khoản ủng hộ 10.000 đồng với nội dung kèm theo "tap the ae rap xiec trung uong ung ho" và gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến uy tín của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Cá nhân nói trên (vốn là sinh viên) sau đó đã bị nhắc nhở, đồng thời nhà trường nơi sinh viên theo học cũng được đề nghị cần quản lý chặt chẽ hơn sinh viên của mình.

Cũng trong thông tin sao kê của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có một nội dung chuyển khoản "tập thể cán bộ, nhân viên UBND xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ" với mức tiền 2.000 đồng. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy xã này khẳng định địa phương không chuyển khoản như vậy; xã đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ tối thiểu một ngày lương và số tiền này được gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quốc Oai bằng tiền mặt. Vì vậy, nội dung chuyển khoản nói trên có thể do đối tượng nào đó mạo danh!

Dưới góc độ pháp lý, dù mạng xã hội chỉ là thế giới “ảo” nhưng mọi người dùng đều phải có thái độ ứng xử đúng mực và chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình trên không gian mạng. Đối với việc làm giả xác nhận chuyển khoản và đăng tải trên trang cá nhân, dù mục đích chỉ nhằm vui đùa, chủ tài khoản vẫn phải chịu trách nhiệm “thật” cho hành vi trên không gian “ảo”.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Như vậy, đối với những hành động cắt ghép ảnh chụp xác nhận chuyển khoản hay giả mạo các cơ quan, tập thể chuyển khoản ủng hộ đồng bào, dù chỉ xuất phát từ mục đích vui đùa nhưng vẫn là những thông tin sai sự thật, cần phải được xử lý nghiêm minh. Có như vậy thì việc từ thiện – một hành động cao đẹp – mới không bị biến thành một trò đùa vô cảm!

Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc