Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn”

17:32, 06/09/2024

Sáng 6/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn”.

Tham dự hội thảo có đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Muthu Maharajan, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và Môi trường của UNICEF tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo thông tin tại hội thảo, hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình ở Đắk Lắk sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam mới chỉ đạt 25,67%, nguồn nước từ công trình cấp nước tập trung và cấp nước nhỏ lẻ. Toàn tỉnh có gần 17.600 hộ không có nhà tiêu, chiếm khoảng 5%, phần đông rơi vào các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, gia đình neo đơn, thu nhập thấp, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề nước sạch, vệ sinh.

đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Để hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng với chuyên gia của UNICEF đã phối hợp hỗ trợ Hội LHPN tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình 3 sạch, xóa bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024 - 2026”, phấn đấu đến hết năm 2026 vận động được 3.700 hộ gia đình xây nhà tiêu, lắp đặt thiết bị chứa nước hợp vệ sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp thực hiện đề án tại địa phương như lồng ghép các nguồn lực cùng mục tiêu của các chương trình, dự án đang được triển khai; triển khai đồng bộ trong đầu tư, nâng cấp và sửa chữa, ưu tiên các công trình cấp nước đang hoạt động để tránh lãng phí…

Ông Muthu Maharajan, Trưởng Chương trình vì sự sống còn, phát triển trẻ em và Môi trường của UNICEF tại Việt Nam
Ông Muthu Maharajan, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và Môi trường của UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh đã nêu lên thực trạng, hạn chế và những khó khăn của tỉnh về vấn đề nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cũng đề nghị các ngành, cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen để nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe; triển khai thực hiện tốt các gói chính sách, các nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện tiếp cận vay để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; có kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai…

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.