Không gian kết nối đam mê sinh vật cảnh
Cuộc triển lãm, trưng bày và thi sinh vật cảnh vừa được TP. Buôn Ma Thuột tổ chức đã mang đến một bức tranh sinh động, đa dạng với đủ chủng loại và là không gian để những người yêu sinh vật cảnh gặp gỡ, giao lưu, kết nối những người cùng niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật lắm kỳ công này.
Vượt chặng đường hơn 200 km anh Trương Văn Lợi (chủ nhà vườn bonsai HT Đà Lạt, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) mang đến triển lãm sinh vật cảnh lần này 30 tác phẩm. Trong đó, hai tác phẩm anh tâm đắc nhất là cây hoa giấy vạn huê lầu và cây tùng búp.
Anh Lợi tiết lộ, cây hoa giấy vạn huê lầu tầm 50 năm tuổi, được anh kỳ công chăm sóc, tạo dáng thành nhiều tầng (nhiều lầu). Trong khi đó, cây tùng cối được anh tạo thế thành nhiều tầng lớp, biểu tượng cho nhiều tầng mây, thể hiện tình yêu với thiên nhiên, đất trời của con người.
Anh Trương Văn Lợi, chủ nhà vườn bonsai HT Đà Lạt (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bên tác phẩm dự thi triển lãm sinh vật cảnh TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2024. |
Tham dự triển lãm lần này, anh Phạm Đình Giỏi (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) mang đến tuyệt phẩm “Quần long phượng vũ”, có tuổi đời trên 80 năm. Anh Giỏi giải thích: “Quần long phượng vũ” là chim phượng hoàng đang nhảy múa cùng với nhiều con rồng, mang biểu tượng cho quyền uy của vua chúa ngày xưa. Hơn 20 năm qua, anh đã dồn nhiều tâm huyết "thổi hồn" vào cây để cây có được dáng dấp và sự quý phái như ngày hôm nay.
Theo ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước, việc TP. Buôn Ma Thuột tổ chức cuộc triển lãm lần này đã mở ra một không gian giúp những người đam mê sinh vật cảnh trên mọi miền đất nước có cơ hội được giao lưu, học hỏi kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây cảnh. Những kiến thức học được rất bổ ích đối với việc phát triển loại hình chơi bonsai của bản thân ông và các hội viên.
Vốn là người mê cây cảnh, khi hay tin có triển lãm sinh vật cảnh diễn ra, anh Đặng Ngọc Sáu (trú thị trấn Ea D’răng, huyện Ea H’leo) đã lên TP. Buôn Ma Thuột để tham quan. Anh Sáu chia sẻ, các tác phẩm mang đến triển lãm lần này khá đa dạng, phong phú về chủng loại, độc đáo về hình thức. Thú vị hơn nữa, tại đây anh được các “lão làng” dày dạn kinh nghiệm chia sẻ về cách chăm sóc cây cảnh và có cơ hội sưu tầm thêm các loại cây bản thân yêu thích.
Du khách ngắm tác phẩm "Quần long phượng vũ" mang đến trưng bày tại triển lãm của anh Phạm Đình Giỏi ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. |
Với gần 5.000 tác phẩm từ gỗ lụa, cây cảnh, các loài hoa, chim cảnh… trưng bày trong khuôn khổ triển lãm, trưng bày và thi sinh vật cảnh lần thứ I - năm 2024 do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức, mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện, một ý nghĩa riêng, thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của các nghệ nhân sinh vật cảnh. Từ những cây xanh, cây si đơn thuần, dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, người đam mê sinh vật cảnh, mỗi dáng cây, thế cây đều toát lên vẻ đẹp riêng có.
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng cho biết, hơn 30 năm qua, phong trào sinh vật cảnh của thành phố phát triển đa dạng gồm nhiều loại hình như hoa lan, cây cảnh, đá quý, chim cảnh và thú cưng…
Thời gian qua, sinh vật cảnh không chỉ góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sống trong lành cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Hiện nay, thành phố có nhiều cây cổ thụ giá trị, nhiều loại phong lan, hoa, chim, thú quý hiếm, đá tự nhiên chưa được chăm sóc nên rất cần được bảo vệ.
Thông qua triển lãm lần này, thành phố cũng sẽ nghiên cứu để có quy chế phối hợp cụ thể nhằm đưa ngành này phát triển, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ đó nâng cao đời sống hội viên và người dân.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc