Multimedia Đọc Báo in

Phản ảnh thông tin: Tránh lạm dụng trí tuệ nhân tạo

05:33, 29/09/2024

Một bức ảnh người chiến sĩ trẻ bế một cháu bé giữa cảnh hoang tàn sau bão lũ đang chia sẻ trên mạng xã hội, được chỉ ra là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI).

Những người dùng hình ảnh này vào các bài viết đã bị cộng đồng mạng lên án là không chân thực. Hiệu ứng truyền thông cứu trợ ở các bài viết ấy bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Hoàng Thanh Sơn, Phó Tổng Biên tập một tạp chí chuyên ngành tại Hà Nội nhìn nhận, đây là một bài học đáng lưu tâm về tác nghiệp phản ảnh thông tin có tính chất báo chí. Vốn dĩ với những sự việc này, tính chân thực, xác tín càng cao, hiệu quả truyền thông càng lớn nên việc lạm dụng dùng hình ảnh giả lập do AI tạo ra sẽ phản tác dụng.

Thận trọng với sản phẩm của AI

Với sự phát triển của AI, nhiều tờ báo, trang tin ngày càng dùng nhiều hình ảnh do AI tạo ra. Điều này vừa cập nhật công nghệ xuất bản, vừa tạo ấn tượng mỹ thuật tốt hơn với bạn đọc.

Song, dù xã hội đã tiệm cận công nghệ số đến đâu thì những hình ảnh, sản phẩm từ AI vẫn bị tâm lý xã hội đánh giá là “giả”. Sản phẩm từ AI chỉ dùng giải trí, minh họa “bắt mắt”, chứ không thể thay thế hình ảnh thật.

Vì vậy, với những bản tin, câu chuyện phản ảnh thời sự, thông tin chân xác về sự việc cuộc sống, dư luận yêu cầu các tác giả, cụ thể là các nhà báo phải bảo đảm tính trung thực. Với những tấm ảnh đăng báo, bạn đọc đều muốn giữ nguyên bản, không dùng phần mềm sửa chữa. Thế nên, dù giới công nghệ quảng bá AI đã mạnh mẽ đến đâu, hoạt động báo chí, phản ảnh thông tin thời sự cũng vẫn hạn chế dùng.

Với bức hình minh họa người chiến sĩ bế cháu bé nói trên, một số biên tập viên chỉ ra, không khó để thấy những điểm lỗi mà AI thiết lập sai trong tấm ảnh. Nhưng quan trọng hơn, tại sao một số người làm báo, có kinh nghiệm thực tế về xuất bản báo chí lại nhầm lẫn dùng bức ảnh này minh họa cho bài viết vận động xã hội và chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình? Phải chăng kỹ năng nhận diện các thành phẩm từ AI của nhiều người vẫn bị hạn chế, liên quan đến việc đã tiếp cận, sử dụng các công cụ AI ra sao. Giới công nghệ cho rằng, đã đến lúc chính những người dùng AI cần cập nhật khả năng tạo AI và phân biệt được những giới hạn từ AI.

Tấm ảnh do AI tạo ra gây nhiều tranh cãi.

Đề cao tính trung thực, ngay từ bản quyền

Một số lớp đào tạo AI trên mạng xã hội đã lập tức lấy câu chuyện hình ảnh người chiến sĩ bế đứa trẻ trong bão lũ làm thực chứng cho nhu cầu “phải học cách dùng AI”. Một tài khoản huấn luyện AI khá nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhiều bạn nghĩ các phần mềm, công cụ AI miễn phí đã đủ giúp họ tạo ra những thành phẩm như ý, mà quên rằng, cái gì miễn phí cũng chỉ có giới hạn nhất định”. Lý giải này chỉ rõ những giới hạn mà các công cụ AI đang phổ biến hiện nay, như ChatGPT, là chưa thể cập nhật đầy đủ các tính năng ở bản dùng thử.

Theo đó, giới công nghệ khuyên người dùng AI cần đầu tư rõ “bản quyền” trong công cụ sử dụng. Những phần mềm công cụ AI, càng mua bản chính thức càng thuận tiện sử dụng, và nhất là tránh được những phần lỗi kỹ thuật. Bởi công cụ AI luôn gắn với hệ thống dữ liệu và kỹ năng “học bài”, nếu chỉ là phần mềm miễn phí sẽ không được cung cấp đủ tính năng cần thiết. Đồng thời, nhiều người cũng cần phân biệt rõ giới hạn sử dụng của các công cụ AI. Đơn cử phần mềm ChatGPT rất tốt cho việc tạo các nội dung, nhưng không có khả năng ứng dụng đồ họa. Cho nên, suy nghĩ một số người là đơn giản dùng AI tạo sản phẩm cần, phải gắn với công cụ cụ thể nào đó, và đến nay, vẫn không có sản phẩm AI nào đáp ứng được mọi yêu cầu.

Còn theo ông Hoàng Thanh Sơn, vấn đề chính yếu nằm ở quan niệm trung thực từ người dùng. Càng là hoạt động báo chí, tính trung thực với dữ liệu sử dụng càng quan trọng. Bởi không xuất phát từ điều này, một số người tạo nội dung đã dùng bức ảnh do AI tạo ra để xử lý cho bài viết, vì đơn giản là… ảnh miễn phí. Quan niệm này dẫn đến những “thỏa hiệp” với các tác phẩm phi bản quyền, và đây là lý do nhiều bạn đọc yêu cầu hoạt động báo chí càng phải tôn trọng tính trung thực cao hơn, xuất phát từ bản quyền trí tuệ ở các tác phẩm, cấm sự sao chép dưới mọi hình thức.

Sự việc nói trên cũng như câu chuyện cặp vợ chồng dùng YouTube tạo clip trong bão gây phản cảm với dư luận, cho thấy yêu cầu trung thực, minh bạch trong phản ảnh thông tin quan trọng đến thế nào. Liệu đa số người dùng AI và làm quen với AI đã nhận thức rõ về điều này?

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc