Multimedia Đọc Báo in

Sầu riêng đâu chỉ ăn tươi

05:32, 29/09/2024

Lâu nay, nhiều người vẫn quen thuộc và ấn tượng với hương vị của cơm sầu riêng tươi, nhưng ít ai biết rằng, nguyên liệu từ loại trái cây "vua" này có thể chế biến ra vô vàn món ăn đặc sắc. Nó không chỉ góp phần làm đa dạng ẩm thực Đắk Lắk mà còn mang tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng cho quả sầu riêng.

Độc đáo ẩm thực từ sầu riêng

Bằng đôi tay khéo léo của người dân địa phương, từ cơm sầu riêng chín, vỏ sầu riêng, thịt sầu riêng sống và hạt sầu riêng đã được làm ra nhiều món ẩm thực đa dạng, phong phú từ món mặn, tráng miệng đến thức uống ấn tượng.

Nhiều người đã kết hợp sầu riêng với các nguyên liệu khác để tạo ra những món ăn độc đáo như: xôi sầu riêng, canh sườn non sầu riêng, gà hầm sầu riêng, chả ram hải sản sầu riêng, canh gà hầm sầu riêng, bánh tằm sầu riêng, mochi sầu riêng, bông lan cuộn sầu riêng, vỏ sầu riêng chiên giòn, trà sữa sầu riêng, sữa hạt sầu riêng, cà phê sầu riêng…

Người dân xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) chuẩn bị nguyên liệu nấu món gà hầm sầu riêng.

Chẳng hạn, xôi sầu riêng được đánh giá là một trong những món ăn hấp dẫn vẫn giữ nguyên được mùi hương, vị béo của sầu riêng mà người dân huyện Krông Pắc thường nấu trong những dịp giỗ chạp hay đám cưới.

Chị H'Djen Ayun (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) đã "cách điệu" món xôi này khi nấu theo cách truyền thống của người Êđê là sử dụng trái bầu khô để đồ xôi. Theo đó, quả bầu khô được úp ngược vào nồi đất, sau đó dùng xơ mướp lót vào phần đáy nồi rồi bỏ phần gạo nếp ngâm đã trộn sẵn sầu riêng vào hấp trong vòng hai tiếng. Thành phẩm cho ra rất dẻo, tơi hạt mà không hề bị đọng nước gây nhão như dùng nồi hấp thông thường, đặc biệt vẫn giữ được hương thơm đặc trưng của sầu riêng.

Còn với chị Nguyễn Phi Hồng Ngọc (TP. Buôn Ma Thuột) lại tận dụng hạt sầu riêng để chế biến thành món đuôi bò hầm hạt sầu riêng. Với món ăn này, hạt sầu riêng sau khi ăn xong, chị gọt vỏ hạt rửa sạch đem hầm với đuôi bò. Tưởng chừng loại hạt này sẽ không có giá trị sử dụng nhưng khi được hầm cùng đuôi bò làm sạch kỹ càng đã tạo thành món ăn vô cùng đặc sắc. Món hầm vừa có vị ngọt đậm đà, vừa có sự béo, bùi của hạt sầu riêng. Ngoài món mặn, chị Ngọc còn sáng tạo thêm nhiều món tráng miệng từ ẩm thực truyền thống là bánh dày của người Tày nhưng có nhân sầu riêng đến bánh bingsu vị sầu riêng hiện đại.

Để "chiều lòng" những người không ăn được sầu riêng bởi có mùi lạ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) lại nảy ra ý tưởng nấu canh sườn non sầu riêng. Tận dụng sầu riêng bị sượng hoặc chưa chín nhưng bị mưa gió làm rụng, chị tách ra lấy thịt để thực hiện món ẩm thực này. Chị cho hay, mặc dù quả sầu riêng còn ương thường có phần cơm khá sượng, cứng, nhưng sẽ không nặng mùi khi nấu chung với sườn non nên sẽ cho thành phẩm ngọt, thanh, mềm, béo. Đặc biệt, sau khi món ăn nấu xong, chị kết hợp thêm hành ngò để dậy hương thơm cho món canh nên mùi sầu riêng sẽ biến mất, giúp người "sợ" mùi sầu riêng vẫn có thể được thưởng thức loại quả này theo cách riêng.

Nhiều món ăn hấp dẫn từ nguyên liệu trái sầu riêng của người dân huyện Krông Pắc chế biến.

Nhiều tiềm năng nâng cao giá trị nguyên liệu

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Krông Pắc, sự sáng tạo và khám phá tạo nên những món ẩm thực ngon từ sầu riêng của người dân địa phương đã giúp khai thác hết những giá trị nguyên liệu từ loại trái cây này.

Ngoài cơm sầu riêng chín, những nguyên liệu tưởng chừng như không sử dụng được như vỏ, hạt, cơm sống của sầu riêng đã được “biến tấu” thành món ăn mang giá trị cao về hương vị và chất lượng.

Bởi theo nghiên cứu từ chuyên gia, các thành phần trong cơm, hạt hay vỏ sầu riêng đều có giá trị dinh dưỡng và công dụng riêng. Hiện tại, nhiều nhà hàng tiệc cưới, hoặc vào các dịp lễ, giỗ chạp trong mùa sầu riêng của địa phương, rất nhiều món ăn như xôi, canh hầm… đã được người dân đưa vào làm món ăn chính. Đi kèm với đó, ngoài các đại lý thu mua, chế biến sầu riêng tươi, tại địa phương đã xuất hiện một số cơ sở thu mua vỏ, hạt sầu riêng để làm nguyên liệu chế biến món ăn.

Thực tế hiện nay không chỉ riêng tại Việt Nam mà một số quốc gia như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… đã rất chuộng thêm hương vị nồng nàn của loại trái cây “vua” này vào món ăn. Riêng Singapore rất khắt khe trong việc chuyên chở sầu riêng đến nơi công cộng, nhưng ở nhiều nơi đông người, nhà hàng vẫn chuyên bán các sản phẩm từ sầu riêng như bánh kẹo, sữa, kem, bánh trung thu… Tại Malaysia, sầu riêng thường được ướp đường hoặc muối để giữ được lâu hơn, điển hình là món tempoyak (muối chua), món lempog (ngào đường) ăn với cơm trắng và món boder (xé phay trộn muối, hành tây và giấm). Còn Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng với món xôi và chè sầu riêng...

Bởi vậy, ngoài cơm sầu riêng xuất khẩu, những nguồn nguyên liệu từ loại quả này hoàn toàn có khả năng tiếp cận với thị trường quốc tế. Vậy nên, mỗi người nên phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu thêm những món ẩm thực hoặc sản phẩm độc đáo, chất lượng, có thể đáp ứng thị hiếu của đa số khách hàng. Từ đó, từng bước tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước để nâng cao giá trị cho nguyên liệu từ sầu riêng.

Khánh Thảo


Ý kiến bạn đọc