Multimedia Đọc Báo in

Truyền thông hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững

10:20, 30/09/2024

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Cư Kuin đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt thông tin, các mô hình hay, cách làm mới để áp dụng vào thực tế sản xuất, phát triển kinh tế.

Được tiếp cận thông tin về chính sách và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình bà H Tik Niê (buôn Jung A, xã Ea Ktur), trước đây gia đình bà cũng như nhiều hộ nghèo khác trong buôn chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, qua các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về giảm nghèo do UBND huyện tổ chức, gia đình bà đã được tiếp cận các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, từ đó dần thay đổi nhận thức, tự lực phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.

Bà H Tik Niê (buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) chăm sóc vườn cây của gia đình.

Bà H Tik cho hay, gia đình bà có 4 sào trồng xen canh hồ tiêu và cà phê. Vì nhà có đến 8 người con nên ngoài thu nhập từ việc chăm sóc vườn cây, vợ chồng bà phải đi làm thuê, làm mướn để có thêm chi phí lo cho con cái ăn học.

Mặc dù làm lụng vất vả quanh năm nhưng hoàn cảnh gia đình bà vẫn thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Tuy nhiên, nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn, cùng sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin, gia đình bà đã được vay 70 triệu đồng để đầu tư phát triển vườn cây.

Ngoài ra, Hội LHPN xã Ea Ktur cũng đã hỗ trợ một cặp dê giống sinh sản, giúp gia đình bà có thêm điều kiện chăn nuôi và phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. “Nhận được nhiều sự trợ lực của các cấp, các ngành, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc vườn cây, đàn dê phát triển thật tốt để sớm vươn lên thoát nghèo”, bà H Tik bộc bạch.

Là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Kim Phát (xã Hòa Hiệp), chị Vũ Thị Đan Trinh đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Chị Trinh chia sẻ, vào năm 2001, chồng chị bị tắc nghẽn động mạch và phải cưa một chân. Đến năm 2017, chị phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư vú, trong khi con gái út của chị cũng mắc bệnh hiểm nghèo, khiến gia đình luôn trong tình trạng thiếu thốn.

Trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống, chị buộc phải tự tìm kiếm công việc phù hợp để lo cho gia đình. Năm 2021, chị mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở xưởng may. Dần dần, chị đã tìm được đầu mối nhận hàng may gia công với số lượng lớn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. “Được đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo tuyên truyền, phổ biến các chính sách dành cho hộ nghèo, gia đình tôi đã hiểu được tầm quan trọng của việc thoát nghèo. Hy vọng với sự cố gắng và nỗ lực, gia đình tôi sẽ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương trong năm nay”, chị Trinh chia sẻ.

Chị Vũ Thị Đan Trinh (thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) nhận may gia công để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Bạch Đình Bắc, để đạt được mục tiêu trong công tác giảm nghèo, địa phương xác định công tác truyền thông về chính sách là yếu tố quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp nhận nguồn lực để vươn lên. Do đó, công tác tuyên truyền sẽ được thực hiện thường xuyên và đa dạng, yêu cầu các cán bộ không chỉ nắm vững chính sách mà còn có khả năng truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu và dễ nhớ đến người dân.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin Phạm Thị Thừa cho biết, trong những năm qua, huyện luôn chú trọng công tác truyền thông với nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo.

Đặc biệt, năm 2023, UBND huyện đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về công tác giảm nghèo cho 700 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Qua đó, người dân được nâng cao nhận thức, hiểu rõ lợi ích của các chính sách và dự án đầu tư, hỗ trợ; tích cực tham gia vào các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho cá nhân, gia đình. Điều này cũng đã giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.