Multimedia Đọc Báo in

Cần thận trọng khi lái xe trên đường gặp nhiều gia súc

04:59, 27/10/2024

Trên các cung đường trường, nhất là ở các địa bàn nông thôn, miền núi, bà con chăn nuôi trâu, bò nhiều và thường lùa trâu, bò đi chăn, việc các đàn trâu, bò đi trên đường hoặc băng ngang đường là hình ảnh dễ thấy.

Lái xe trên các cung đường này cần phải hết sức thận trọng. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do gia súc bất ngờ băng ngang đường.

Nhiều lái xe đường dài vẫn không quên vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đối với chiếc xe khách chạy hướng từ Lạng Sơn vào Đắk Nông. Khi xe đến Thanh Hóa thì bất ngờ tông trúng con trâu chạy qua đường dẫn đến mất lái và bị một chiếc xe tải ngược chiều tông chính diện làm lái xe và nhiều hành khách thương vong.

Tại công ty xe buýt nơi tôi từng làm lái xe có một tài xế chạy tuyến Lắk - Buôn Ma Thuột nổi tiếng chạy nhanh, chạy ẩu.

Hôm đó, anh ta lái xe đến đoạn cánh đồng Yang Tao (huyện Lắk), do chạy nhanh nên khi phát hiện con bò dưới ruộng bất ngờ xông lên băng qua đường thì tài xế không kịp xử lý đã tông thẳng vào con bò. Sự việc diễn biến tệ hơn vì anh ta không dừng lại mà cho xe bỏ chạy luôn.

Nhiều thanh niên địa phương đi xe máy rượt theo, đến gần cầu Giang Sơn mới bắt kịp và buộc xe buýt phải dừng lại. Khi chiếc xe đã dừng thì mọi người mới hoảng hồn khi thấy con bò bị tông chưa chết hẳn vẫn còn dính trước cản xe! Anh chàng lái xe này sau đó đã phải bồi thường con bò cho người dân và bị công ty cho nghỉ việc vì chạy ẩu!

Rất nhiều người có chung nhận xét: Khi đã có va chạm, dù lớn hay nhỏ, dù chỉ là con vật, lái xe cũng nên bật đèn cảnh báo và cho xe đậu gọn vào lề, rồi xuống xe xem xét, xử lý, nếu nhẹ thì xin lỗi, nặng hơn thì bồi thường trong khả năng có thể, hay nhờ cơ quan chức năng can thiệp...

Đàn trâu bò băng ngang đường dưới chân đèo Lắk.

Khi gặp biển báo nguy hiểm có gia súc, hay động vật hoang dã, lái xe cần chú ý quan sát, giảm tốc độ, nhất là những cung đường đèo, núi, quanh co. Đã có nhiều vụ tai nạn do lái xe chạy cẩu thả gặp trâu, bò nằm nghỉ giữa đường thì không xử lý kịp dẫn đến lật xe ở những nơi đồi núi khuất tầm nhìn.

Các đàn gia súc hay được chăn thả dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ thường rất đông và rất lì lợm bởi chúng đã quen với các dòng xe cộ di chuyển trên đường. Vì vậy, khi gặp các đàn gia súc đi trên đường, lái xe nên giảm tốc độ, đi đúng làn đường, về số 1, giữ chân ly hợp (chân côn) hay giữ nhẹ chân phanh với xe số tự động để chiếc xe di chuyển thật chậm. Duy trì ở tốc độ làm sao để dẫu có va chạm cũng không làm trầy xước thân vỏ xe và cũng không làm tổn thương gia súc. Tuyệt đối tránh bóp còi bởi tiếng còi sẽ gây hoảng loạn cho các con vật, khiến chúng bị kích động, chạy, nhảy đá loạn xạ rất nguy hiểm.

Thay vì nóng lòng bóp còi inh ỏi và lái vòng vèo né tránh, vừa vất vả, vừa nguy hiểm thì chỉ cần các lái xe kiên nhẫn cho xe đi thật chậm sẽ thấy mọi chuyện trở nên rất đơn giản và chắc chắn sẽ được an toàn.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.