Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho trẻ ở trường học

08:38, 17/10/2024

Thời tiết thay đổi khiến trẻ em dễ mắc các loại virus, vi khuẩn, đặc biệt là lây nhiễm chéo tại trường học gây bệnh và tái đi tái lại không khỏi. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với cấp tiểu học, mầm non cần được chú trọng, không để dịch xảy ra, bảo đảm cho học sinh được học tập trong môi trường an toàn.

Trong môi trường trường học, nhà trẻ có mật độ tiếp xúc đông đúc. Việc học tập và sinh hoạt chung khiến mầm bệnh càng dễ lây nhiễm, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Cô Phạm Thị Tâm Tuyền, chủ nhóm trẻ Nuna (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm, chúng tôi đã quán triệt đến toàn bộ giáo viên phải tăng cường trao đổi với phụ huynh, chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ mỗi ngày để kịp thời phát hiện những trường hợp trẻ mắc bệnh để có biện pháp cách ly, tránh lây lan thành dịch. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức vệ sinh khu vực học tập, ăn uống; khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập…”.

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em trên địa bàn phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột).

Hiện nay, ngoài trường mầm non thì nhiều trường tiểu học cũng tổ chức cho học sinh bán trú để thuận tiện cho việc học 2 buổi/ngày.  Do đó việc vệ sinh nơi học, từ lớp học đến nơi ngủ trưa cũng cần được chú ý.

Bên cạnh việc giữ cho trẻ một môi trường học tập sạch sẽ, an toàn để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các trạm y tế địa phương đẩy mạnh hoạt động rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin các loại bệnh như sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản... của trẻ ngay từ đầu năm học nhằm tăng tỷ lệ bao phủ các vắc xin; đồng thời chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có thể phòng được bằng vắc xin.

Ở Trường Mầm non Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), bên cạnh công tác chăm sóc, giáo dục, nhà trường còn phối hợp với Trạm Y tế phường tiến hành khảo sát đầy đủ các thông tin về tiêm chủng và bảo đảm những học sinh chưa tiêm, bỏ lỡ mũi tiêm sẽ được bổ sung đủ mũi. Vào đầu năm học, mỗi phụ huynh được nhà trường phát một sổ theo dõi tiêm chủng cho con. Toàn bộ thông tin sẽ được giáo viên nắm bắt và kịp thời thông báo, nhắc nhở phụ huynh đưa con tới cơ sở y tế để bổ sung những mũi tiêm còn thiếu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hòa cho biết, nhà trường đã dùng nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp thông qua các buổi họp phụ huynh, qua nền tảng mạng xã hội Zalo… nhằm tuyên truyền cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ về tác dụng, hiệu quả của vắc xin đối với trẻ em và sự cần thiết tiêm bù liều, an toàn tiêm chủng.

Giáo viên tại Trường Mầm non Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn phụ huynh điền thông tin tiêm chủng của trẻ.

Theo thông tin của Sở Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận gần 100 trường hợp mắc sởi tại 16/21 xã, phường. Trước tình hình bệnh có xu hướng lây lan nhanh, nguy cơ bùng phát mạnh, việc tiêm chủng cho trẻ được đặc biệt quan tâm. Đưa con đến Trường Mầm non Tự An (phường Tự An) để đăng ký tiêm phòng bệnh sởi, chị Tán Thị Thanh Thi cho hay: “Sau khi nhận được thông báo từ giáo viên, tôi đã tìm hiểu về tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin sởi. Con được tiêm chủng rồi thì tôi cảm thấy an tâm hơn”.

Bà Trần Thị Hảo, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tự An chia sẻ: “Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND thành phố và kế hoạch của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã tham mưu UBND phường triển khai kế hoạch tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 – 5 tuổi đang theo học tại các trường trên địa bàn phường chưa tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ liều. Nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ tận tình của giáo viên và phụ huynh, hơn 95% trẻ em đã được tiêm phòng theo kế hoạch”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.