Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi

08:36, 26/02/2023

Thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt siêu vi…; dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.

Trong đó, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém là đối tượng dễ mắc bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách.

Hiện trung bình mỗi ngày Khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận khám và điều trị gần 1.000 trường hợp, trong đó gần 50% là trẻ em, mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, như: cảm cúm, viêm phế quản, hen phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi, viêm mũi họng. Các bệnh về đường tiêu hóa, như: viêm dạ dày ruột cấp, tiêu chảy cấp và các bệnh lây nhiễm như sốt siêu vi, sởi, tay chân miệng… tăng 15 đến 20% so với thời điểm trước đó. Các bệnh này có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng dễ gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Như trường hợp cậu con trai 2 tuổi của chị Nguyễn Thị Liên (ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), những ngày vừa qua thời tiết lúc nóng lúc lạnh khiến cháu không kịp thích nghi, bệnh viêm phổi tái phát. Chị Liên than thở: “Sức đề kháng của cháu kém, viêm phổi hay tái phát mỗi khi thời tiết có dấu hiệu thay đổi, nóng cũng bị mà lạnh cũng bị”. Cô con gái 1 tuổi của chị Hồ Thị Thúy Hạnh (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) cũng mới phải đi tái khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Chị Hạnh cho hay: “Ở nhà cháu bị ho liên tục, sổ mũi và khó thở, gia đình đưa đi khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm đường hô hấp trên nên cho nhập viện điều trị. Sau khi điều trị khỏi bệnh, gia đình đưa về nhà được khoảng 1 tuần thì bệnh lại tái phát”.

Trẻ bị viêm phổi được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ Nguyễn Đồng Ái, Phó Trưởng Khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ em, ngoài việc tiêm vắc xin đầy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần tiêm bổ sung cho trẻ các loại vắc xin cúm, rotavirus. Khẩu phần ăn cho trẻ cần đa dạng, đầy đủ, đảm bảo cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cần thiết; không cho trẻ uống nước đá, ăn kem lạnh. Phụ huynh cần giữ vệ sinh khu vực sống, chủ động diệt lăng quăng (bọ gậy); vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ; hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cảm ho và đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi công cộng.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ sốt của trẻ, nếu sốt từ 38,5oC trở lên phải nhanh chóng cho uống thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất paracetamol theo đúng liều lượng trên bao bì, tránh tình trạng trẻ bị sốt quá cao, co giật; thường xuyên lau bằng khăn ấm khắp cơ thể để trẻ nhanh hạ sốt hơn. Trẻ bị sốt sẽ bị mệt mỏi, đau nhức, rất cần được nghỉ ngơi trong môi trường trong lành, không tiếng ồn. Nếu thấy trẻ có một số dấu hiệu như ho nhiều, sốt cao khó hạ, thở nhanh, nôn tất cả mọi thứ, không uống được, co giật, bỏ bú, nằm li bì, đi cầu phân lỏng có nhầy máu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chăm sóc và điều trị tích cực.

“Nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Đây là thói quen không tốt, dẫn đến làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị bệnh ở trẻ sau này. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên đưa con đi khám và uống thuốc theo đơn của bác sĩ”, bác sĩ Ái nhấn mạnh.

Trần Mỹ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.