Multimedia Đọc Báo in

Gắn khởi nghiệp với xây dựng bản sắc cho thành phố Buôn Ma Thuột

08:38, 14/10/2024

Gắn khởi nghiệp với xây dựng bản sắc cho thành phố Buôn Ma Thuột là vấn đề được quan tâm bàn thảo sôi nổi tại Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND thành phố với thanh niên trên địa bàn năm 2024 vừa diễn ra sáng 11/10.

Phát huy lợi thế văn hóa truyền thống

Với chủ đề “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khai thác thế mạnh của địa phương, phát huy giá trị bản sắc văn hóa và tận dụng tiềm năng du lịch cộng đồng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn thành phố”, chương trình đã khơi gợi nhiều ý tưởng về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống trong giới trẻ.

Thanh niên xã Ea Tu tham gia hoạt động văn hóa tại địa phương. Ảnh: Quang Thái

Xã Ea Tu hiện có 4 không gian bến nước ở các buôn Kmrơng Prong A, buôn Ju, buôn Kô Tam, buôn Kmrơng B vẫn đang còn nguyên sơ, được quan tâm bảo tồn. Qua lễ cúng bến nước vẫn được tổ chức hằng năm, thanh niên nơi đây đã hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và mạnh dạn mở các cơ sở ẩm thực mang dấu ấn của người Êđê tại buôn làng mình sinh sống.

Từ thực tế đó, anh Thái Quang Êban, Phó Bí thư Đoàn xã Ea Tu kiến nghị thành phố tạo điều kiện để thanh niên khai thác không gian 4 bến nước thành “sân chơi” khởi nghiệp dịch vụ theo hướng bảo tồn văn hóa gắn với sinh kế. Cụ thể là xây dựng mô hình không gian cà phê, ẩm thực phiên bến nước vào cuối tuần, tái hiện không gian sinh hoạt bến nước cho người Êđê tại địa phương gắn với rừng đầu nguồn; đồng thời tạo điểm nhấn để thu hút người dân, du khách đến với bến nước cùng tham quan cảnh đẹp và thưởng thức sản phẩm đặc trưng của địa phương…

Thanh niên xã Hòa Thắng có nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo gắn với đặc thù dân cư và khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, như các mô hình: ẩm thực của người Êđê, người Mường; tiểu cảnh bonsai (phục vụ đối tượng là người làm công việc văn phòng), trung cảnh bonsai (tạo không gian xanh cho nhà ở, cơ quan, trường học)... Nhưng hiện nay việc quảng bá sản phẩm vẫn chưa được chú trọng do thiếu không gian trưng bày. Đại diện Đoàn xã Hòa Thắng đề xuất UBND TP. Buôn Ma Thuột cho phép đơn vị sử dụng trụ sở UBND xã cũ (đang bỏ hoang) làm địa điểm để trưng bày, quảng bá, thương mại sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên địa phương; tạo không gian để thanh niên trao đổi kinh nghiệm sống, sản xuất kinh doanh…

Khẳng định việc truyền dạy văn hóa truyền thống (dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, ẩm thực người Êđê...) là cần thiết, anh Y Mơ Lô Êban, Phó Bí thư Đoàn xã Cư Êbur cũng nêu thực tế là hiện nay các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi nên việc truyền dạy theo cách thức cũ không còn hiệu quả như trước. Từ đó đề xuất cần có những cách thức truyền dạy bài bản, phù hợp hơn để giúp người trẻ có sự hiểu biết đầy đủ và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình...

Tăng cường không gian kết nối cho giới trẻ

Bắt nhịp nhịp sống số và thị hiếu người tiêu dùng, nhiều đại biểu tham dự chương trình đề xuất việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng cách tạo dựng những không gian mở tại các đơn vị, địa phương, nơi công cộng để thanh niên có nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tế và phân phối sản phẩm khởi nghiệp. Cùng với đó là sự hỗ trợ về pháp lý liên quan trực tiếp tới chất lượng dịch vụ, sản phẩm và diện mạo của sản phẩm khởi nghiệp từng lĩnh vực, nhất là việc kiểm soát chất lượng, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nơi sản xuất, kinh doanh…

Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột đang có chủ trương cải tạo các hành lang suối trong thành phố, đây là cơ hội để tạo không gian cho các mô hình cà phê và địa điểm checkin. Đại diện thanh niên phường Ea Tam đề xuất UBND thành phố giao cho thanh niên triển khai mô hình này để tạo điểm nhấn thu hút người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Anh Thái Quang Êban, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Ea Tu nêu ý kiến tại chương trình đối thoại.

Với vai trò là một doanh nghiệp xã hội, anh Phạm Thanh Tuấn, người sáng lập Trường học cầu vồng và Thư viện mùa xuân đề xuất về việc xây dựng không gian đọc sách tại nơi công cộng như công viên, trạm xe buýt… Cùng với đó là có giải thưởng tôn vinh các cá nhân, công dân có đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của TP. Buôn Ma Thuột.

Cũng có ý kiến cho rằng, thành phố cần xây dựng thêm kênh thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Êđê để cung cấp thông tin, quảng bá văn hóa và kết nối thanh niên trên không gian mạng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật, nhiều ý kiến trong buổi đối thoại sát với thực tế, có thể triển khai để giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội . UBND thành phố sẽ tiếp thu, nghiên cứu để thực hiện có hiệu quả chính sách về thanh niên, trong đó có xây dựng không gian mở cho thanh niên, góp phần xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột giàu bản sắc.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.