Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ

08:21, 10/10/2024

Tại Ngày hội Sáng tạo trẻ tỉnh Đắk Lắk năm 2024 do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh vừa tổ chức, có nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm của đoàn viên, thanh niên rất độc đáo, sáng tạo.

Những sản phẩm giàu tính ứng dụng

Tiêu  biểu như sản phẩm Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng của nhóm sinh viên: Hoàng Ngọc Trung Nguyên, Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Võ Ngọc Hiệp, Nguyễn Thị Huyền Trinh, Đinh Trung Đức (ngành Sư phạm vật lí, Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên). Trung Nguyên chia sẻ, nhận thấy mỗi năm gia đình phải tốn khá nhiều tiền cho việc thuê nhân công gõ sầu riêng, em đã nảy sinh ý tưởng làm ra một loại máy có thể xác định mức độ chín của sầu riêng và cùng nhóm bạn bắt tay vào nghiên cứu thực hiện.

Theo đó, sản phẩm ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để phân loại sầu riêng thông qua cảm biến và âm thanh mẫu được lập trình sẵn trong thiết bị nhằm chọn ra được những trái sầu riêng chín mà không tốn nhiều sức lao động của con người. 

Nhóm sinh viên ngành Sư phạm vật lí, Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ (Trường Đại học Tây Nguyên) vận hành Thiết bị hỗ trợ gõ sầu riêng.

Trung Nguyên bày tỏ: “Việc quan trọng và cũng là khó khăn nhất trong quá trình hoàn thiện thiết bị là ghi âm thanh mẫu nhằm phân biệt độ chín của sầu riêng từ thợ gõ. Em và các bạn đã đi khắp các vườn sầu riêng tìm thợ lành nghề để thu âm, làm thí nghiệm và vận hành thử sản phẩm. Đến nay, độ chính xác của thiết bị đã đạt từ 85 – 90%, được đưa vào sử dụng thử nghiệm tại một số nhà vườn, vựa sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển để thiết bị có thể đạt độ chính xác cao hơn, giảm thiểu sai sót trong quá trình thu hoạch và tiết kiệm thời gian, công sức cho người nông dân”.

Tương tự, ý tưởng làm sản phẩm từ sợi lá dứa của nhóm 3 học sinh: Ngô Thị Phương Lan, Lê Thị Duyên, H’Lan Niê ( lớp 10A1, Trường THPT Tôn Đức Thắng, huyện Krông Năng) cũng có tính khả thi cao, biến những chiếc lá dứa bị người dân xem như phế phẩm nông nghiệp thành chỉ may mặc, vải và một số sản phẩm thủ công.

Phương Lan cho hay, để tách xơ cần ép rã lá dứa bằng máy, sau đó đem rửa sạch với nước từ 45 – 50 độ C, kết hợp chải và tách xơ dứa. Thành phẩm thu được đem phơi khô và ngâm vào dung dịch Polyquaternium - 10 (tỉ lệ 2%) trong 30 phút rồi lặp lại thao tác tách sợi, đánh bông đến khi sản phẩm đạt độ mềm mại phù hợp.

Hơn một năm kiên trì học hỏi, thử nghiệm, vượt qua nhiều khó khăn, có lúc thất bại, đến nay, nhóm đã cho ra sản phẩm hoàn thiện. Những tấm vải, chiếc túi xách, tấm lót ly… từ sợi lá dứa đã tiếp cận được nhiều khách hàng thông qua nền tảng mạng xã hội và nhận được phản hồi tích cực. Không dừng lại ở đó, nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng sợi lá dứa làm chỉ khâu tự tiêu trong y học hay phối hợp, pha trộn với các loại sợi khác để ứng dụng trong ngành dệt may.

Đồng hành cùng thanh niên sáng tạo

Qua khảo sát của Tỉnh Đoàn, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên thời gian qua có nhiều điểm sáng với các sản phẩm độc đáo, thú vị. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên vẫn gặp khó khăn vì chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, cách xử lý rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh; khó tiếp cận nguồn vốn vay để hiện thực hóa và phát triển sáng kiến; còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng mạng lưới kết nối với nhà đầu tư, khách hàng…

Đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm của đoàn viên, thanh niên tại Ngày hội Sáng tạo trẻ tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, Tỉnh Đoàn đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên, như phối hợp với các trường học, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn về những kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ; cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp các em tự tin hiện thực hóa ý tưởng, sáng kiến của bản thân. Đồng thời, tạo cơ hội cho đoàn viên, thanh niên quảng bá, giới thiệu sản phẩm với khách hàng và các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh để các em có thêm động lực, kinh phí nâng cấp, phát triển sản phẩm.

Đến với ngày hội sáng tạo trẻ năm nay, các tác giả của các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo đều bày tỏ niềm vui khi có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi và tham khảo nhiều sáng kiến hay từ nhiều bạn trẻ trên toàn tỉnh. Đây chính là nguồn động lực to lớn để các em tiếp tục phát triển, cố gắng hơn nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị thiết thực trong đời sống.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.