Multimedia Đọc Báo in

Làm tốt vai trò "cầu nối" giữa người lao động và doanh nghiệp

17:43, 13/10/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phải cho công nhân, người lao động nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc. 

Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Toàn tỉnh hiện có 1.125.710 lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, chiếm 99,29% tổng số lao động, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm trước. Lao động khu vực thành thị chiếm 23,58%, lao động khu vực nông thôn chiếm 76,42%, tăng lần lượt là 5,70% và 0,37%.

Theo đánh giá của ngành chức năng, lao động có việc làm trong 3 khu vực kinh tế so với cùng kỳ năm trước và so với quý trước đều tăng.

1
Lần đầu tiên lao động địa phương phỏng vấn, kiểm tra tay nghề đi làm việc có thời hạn tại thị trường Algeria ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk.

Trong đó, lao động trong khu vực nông nghiệp là 764.025 người, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 67,87%, tăng 0,10% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do trong thời gian này người dân tuyển thêm lao động để thu hoạch sầu riêng, bơ... Bên cạnh đó, các cây trồng lâu năm như; cà phê, hồ tiêu cũng đang giai đoạn tập trung chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước.

Chiếm tỷ trọng kế đến là lao động khu vực dịch vụ chiếm 22,49%, với 253.129 người, tăng 3,84% - do có nhiều lễ hội được tổ chức, trong đó nổi bật nhất là Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2 năm 2024 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III - năm 2024 nên sản xuất kinh doanh, vui chơi, giải trí phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến Đắk Lắk tham quan, nghỉ dưỡng trong quý tăng đã góp phần góp phần thúc đẩy thị trường lao động ngày càng ổn định, đưa nền kinh tế của tỉnh, nhất là ngành thương mại dịch vụ phát triển hơn.

Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng 108.556 người, chiếm 9,64%, tăng 7,25% chủ yếu do tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại.

1
Tham gia sàn giao dịch việc làm liên kết vùng trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Dịch vụ  việc làm Đắk Lắk.

Ngoài những nguyên nhân trên, thì các chính sách về giải quyết việc làm tiếp tục được tỉnh quan tâm đã góp phần tạo việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn giới thiệu việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và xuất khẩu lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở LĐ-TB&XH) đã làm tốt vai trò kết nối cung cầu lao động.

Cụ thể, Trung tâm tiếp tục chủ động đa dạng hóa hình thức, tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động, làm tốt vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội được triển khai kịp thời, đem lại quyền lợi cho người dân. 

Thêm vào đó ý thức tự giác của người lao động về tự tạo việc làm cho bản thân hoặc đi tìm việc làm phù hợp với bản thân nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 23.150 người, đạt 76,56% kế hoạch; tăng 0,65% so với cùng kỳ năm 2023.

Có thể thấy, những giải pháp, chính sách cụ thể trong việc khôi phục nền kinh tế đã góp phần hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động. Do đó, tình hình thất nghiệp đã khả quan hơn, người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 8.094 người, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động là 0,71%, giảm 0,58 điểm phần trăm so với quý II/2024.

"Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp gia công, sản xuất trong lĩnh vực dệt may, giày da… trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, tình trạng lao động nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc do thiếu đơn hàng sản xuất không xảy ra. Một số ít trường hợp nghỉ việc là vì lý do cá nhân chứ không phải do các doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến người lao động bị mất việc làm'', ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk thông tin

2
 Ngày hội việc làm là dịp kết nối người lao động với doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, mang đến cơ hội việc làm, học nghề.

Bên cạnh tín hiệu tích cực, thì lao động khu vực nông thôn, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số vẫn còn gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm. Tốc độ chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh còn chậm.

Do đó, thời gian tới các đơn vị chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách lao động - việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, dạy nghề, xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức nhằm đưa thông tin kịp thời, đầy đủ đến với người lao động và các doanh nghiệp.

Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng; đảm bảo sự tương tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk với người lao động, nhà tuyển dụng diễn ra liên tục, thường xuyên, đạt hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trên cơ sở đó cung cấp thông tin về thị trường lao động và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nhằm kết nối cung cầu lao động đạt kết quả tốt hơn. Thu thập, tìm kiếm thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo trong và ngoài tỉnh...

 Nguyên Lý

 


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.