Lắng nghe trẻ em nói
Chương trình Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai – năm 2024 diễn ra tại Hà Nội vừa qua tạo dấu ấn không chỉ bởi cách thức tổ chức bài bản, khoa học mà còn bởi phong thái chững chạc, tự tin và những góc nhìn riêng của các đại biểu đại diện cho “cử tri trẻ em” cả nước về những vấn đề “nóng” trong học đường.
Quan tâm vấn đề “nóng” trong học đường
Phiên họp đề cập đến hai chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng xã hội và trẻ em là phòng ngừa bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ và phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường.
Là những đội viên tiêu biểu, có vốn kiến thức, kỹ năng nhất định trên các mặt học tập, rèn luyện, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” còn nhận được những sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp để có thể tham gia phiên họp hiệu quả.
Các đại biểu nêu lên thực trạng, hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, sử dụng chất kích thích ở môi trường học đường đang có xu hướng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở bạo lực thể chất mà còn trở nên tinh vi và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn do hình thức bạo lực tinh thần, như việc cô lập và bắt nạt; không chỉ diễn ra thực trong môi trường học đường mà còn diễn ra cả trên môi trường mạng xã hội như thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, khiến nạn nhân bị tổn thương nặng nề.
Đại biểu dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" của tỉnh được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Ảnh: Vân Anh |
Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường là từ sự thiếu quan tâm, kết nối giữa học sinh, phụ huynh, nhà trường và cộng đồng; tác động từ hình ảnh, clip, trò chơi bạo lực ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, Internet; cũng như độ tuổi mới lớn, thích thể hiện cái tôi cá nhân và thiếu hiểu biết, kỹ năng sống, có suy nghĩ, hành động bồng bột, dễ bị tác động bởi môi trường tiêu cực xung quanh...
Còn các chất kích thích là cạm bẫy chứa đầy “mật ngọt” với học sinh. Thuốc lá điện tử len lỏi vào đời sống học đường, hấp dẫn học sinh bằng nhiều sản phẩm với hình thức đa dạng, mùi thơm, hương vị dễ chịu, nhiều học sinh sử dụng thuốc lá điện tử như một thói quen mà không lường được tác hại.
Từ đó, nhiều đại biểu đã có những đề xuất sáng tạo, thể hiện góc nhìn riêng của lứa tuổi học đường trong việc tìm hướng giải quyết vấn đề.
Giáo dục trực quan và ứng dụng công nghệ số
Nhìn nhận hoạt động tuyên truyền trong nhà trường là biện pháp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho học sinh, nhiều đại biểu cũng cảnh báo tình trạng “bội thực” tuyên truyền. Thực tế cho thấy, nếu tuyên truyền quá nhiều và dày đặc thì sẽ tạo ra cảm giác nhàm và chán, các em học sinh sẽ không còn chú ý lắng nghe và tiếp nhận những kiến thức đó nữa. Thay vào đó nên tổ chức các hoạt động thú vị hơn để các em tham gia, vừa vui mà vẫn tìm hiểu được thêm kiến thức.
Sử dụng công nghệ số và mạng xã hội là giải pháp được nhiều đại biểu “Quốc hội trẻ em” đề xuất. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất kích thích, có ý kiến đề xuất ứng dụng quét căn cước công dân để kiểm tra độ tuổi người mua trên các cửa hàng trực tuyến; quy định tất cả các nơi buôn bán các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia đều phải lắp camera để quản lý chặt chẽ việc bán hàng cho người chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật; phát triển ứng dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tương tác trên các nền tảng mạng xã hội để phát hiện và cảnh báo những hoạt động quảng cáo, mua bán thuốc lá điện tử với người dùng trong độ tuổi học sinh
Về vấn đề bạo lực học đường, đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục trong nhà trường thông qua các video clip minh họa về hậu quả của bạo lực học đường, xây dựng hệ thống đường dây nóng, phòng tư vấn để lắng nghe những tâm tư và kịp thời xử lý các trường hợp bạo lực trong nhà trường của học sinh; phối hợp với cơ quan chức năng, đẩy mạnh các hình ảnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng các video, kết hợp với những người có ảnh hưởng đến giới trẻ trên mạng xã hội...
Theo dõi phiên họp, đại diện Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của đại biểu “Quốc hội trẻ em”. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhiều câu hỏi, kiến nghị, giải pháp của các em rất xác đáng. Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Hoa Hồng
Ý kiến bạn đọc