Multimedia Đọc Báo in

Nan giải “bài toán” thiếu máy chạy thận nhân tạo

05:48, 29/10/2024

Số người mắc các bệnh về thận và phải chạy thận nhân tạo ngày một tăng, trong khi máy móc, nhân lực phục vụ việc điều trị đang thiếu trầm trọng là một trong những “bài toán” khó mà nhiều năm qua ngành y tế vẫn loay hoay tìm “lời giải”.

Quá tải bệnh nhân chạy thận

Nhiều năm qua bà Hoàng Thị H. (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) lao đao vì căn bệnh suy thận mạn giai đoạn 5/bệnh lý tăng huyết áp/viêm phổi, không đặc hiệu/bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ.

Với phương pháp điều trị được các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) chỉ định: kháng sinh, hạ áp, lọc máu, truyền máu và chạy thận định kỳ tại y tế địa phương, nhưng bà H. chờ mỏi mòn vẫn không thể đăng ký chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Với thu nhập ít ỏi, gia đình bà H. cũng không lo nổi chi phí để đưa bà H. điều trị tại các bệnh viện tư nhân hay các tỉnh lân cận nên đành buông xuôi phó mặc số phận.

Lọc thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Anh Y.M.S. (xã Ea Ral, huyện Ea H'leo) cũng không thể đăng ký chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Sức khỏe yếu, kinh tế kiệt quệ nhưng để duy trì sự sống anh S. đã đăng ký điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh được hơn 6 tháng. Trung bình mỗi tháng anh S. chi trả từ 5 - 8 triệu đồng tùy thuộc vào số lần chạy máy trong tuần. “Với những người suy thận phải chạy thận thì xác định “sống chung với lũ”, có tiền, có máy thì điều trị, không có thì phải chịu từng cơn đau dày vò cơ thể”, anh S. bày tỏ.

Không thể chờ đến lượt chạy thận ở bệnh viện công lập tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vì quá tải, đều đặn 2 - 3 lần/tuần, ông Y.N. (xã Đắk Mol, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) vượt gần trăm cây số đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để chạy thận định kỳ. Để có thêm tiền chi trả viện phí, ông Y.N. tranh thủ làm thêm trong khi chờ vợ điều trị. Với gia đình ông Y.N., 6 triệu đồng/tháng là con số không hề nhỏ, phải chia viện phí đóng làm 3 - 4 lần.

Bác sĩ Vũ Đức Thịnh, Phó Khoa Cấp cứu, Trưởng đơn vị thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) cho biết, từ cuối năm 2023, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật lọc thận nhân tạo. Đây cũng là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai kỹ thuật này. Đến nay, đơn vị đã có 19 máy đang chạy 3 ca liên tục để điều trị cho khoảng 115 bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân đăng ký chạy thận luôn trong tình trạng quá tải, bệnh viện cũng chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký điều trị của người bệnh.

Từng bước khắc phục

Đắk Lắk hiện có 3 đơn vị thận nhân tạo công lập là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, tất cả đều luôn trong tình trạng quá tải.

Bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, với 24 máy chạy thận chia 4 ca/ngày, đơn vị cũng chỉ đáp ứng tối đa được 200 bệnh nhân, trong khi danh sách chờ chạy thận lên đến 600 người. Không có máy để chạy chu kỳ nên các bệnh nhân chỉ có thể chạy cấp cứu. Chờ đợi vô vọng mà vẫn không thể đăng ký máy nên nhiều bệnh nhân đành bỏ cuộc.

Tiến hành lọc thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.
 

Việc đầu tư thêm các máy chạy thận nhân tạo cho các bệnh viện công lập là cần thiết để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, giúp họ có cơ hội được điều trị ở gần nhà, giảm tải áp lực về chi phí điều trị cho người bệnh".

 
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 bệnh nhân mắc suy thận mạn cần lọc máu nhưng chỉ khoảng 600 người đang được chạy thận nhân tạo tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Số còn lại, các bệnh nhân phải di chuyển đến các tỉnh lân cận để chạy thận.

Để giải quyết thực trạng này, mới đây, Sở Y tế đã tổng hợp ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính gửi UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị huyết học truyền máu và thận nhân tạo tại địa phương.

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, sau khi Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực từ ngày 30/10/2024, Sở Y tế đã khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường thêm các máy chạy thận nhân tạo và chia ra 4 điểm để giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, hướng phía Bắc sẽ tập trung tại thị xã Buôn Hồ, phía Nam tập trung tại huyện Krông Búk và một nhánh ở Quốc lộ 27 thì tăng cường cho huyện Cư Kuin, còn lại đầu tư cho Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột với tổng số máy cần phải đầu tư khoảng 100 máy. Có như vậy mới giảm tải lượng bệnh nhân chạy thận, hạn chế việc bệnh nhân phải đi TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác gây mệt mỏi và tốn kém kinh phí.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.