Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả truyền thông bằng "sân khấu hóa"

07:47, 02/10/2024

Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền "chay”, thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" đã được huyện Lắk “sân khấu hóa” qua Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cuối tháng 9 vừa qua.

Hội thi đã mang lại cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao hiệu quả tuyên truyền cho các tổ truyền thông cộng đồng.

Mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng 99 thí sinh đại diện cho thành viên các tổ truyền thông cộng đồng tiêu biểu của 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã mang đến những tiết mục hấp dẫn và xử lý tình huống khá ấn tượng.

Về phần thi chào hỏi, hầu hết các đội đã bám sát chủ đề của hội thi, thể hiện sinh động việc truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng chống bạo lực gia đình thông qua những thông điệp ý nghĩa, thiết thực, gắn với đặc điểm cụ thể của từng địa phương.

Còn phần thi kiến thức (trả lời câu hỏi trắc nghiệm và xử lý tình huống), các đội đã phân công nhiệm vụ cụ thể để nghiên cứu xử lý tình huống đạt yêu cầu. Nội dung thi tiểu phẩm được các đơn vị đầu tư, chuẩn bị chu đáo, sáng tạo, lồng ghép các nội dung tuyên truyền một cách phong phú với những tiết mục có tính nghệ thuật cao, góp phần tuyên truyền sinh động về bình đẳng giới.

Phần thi tiểu phẩm của đội thi xã Đắk Phơi.

Là đơn vị có tiết mục tiểu phẩm được đánh giá ấn tượng nhất tại hội thi, đội thi xã Buôn Triết đã xây dựng câu chuyện bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới qua tiết mục "Chuyện gia đình chị Yến". Tiết mục xoay quanh câu chuyện về người chồng suốt ngày rượu chè về gây sự, đánh đập vợ con mà nguyên nhân sâu xa là vì tiền bạc và sinh con một bề.

Tuy nhiên, thay vì im lặng như trước kia, trường hợp này được hàng xóm báo cho cán bộ thôn đến giúp đỡ. Cán bộ thôn đã đến tận nhà để tuyên truyền kiến thức về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình và Luật Bình đẳng giới để người chồng tự ý thức sửa sai.

Ông Đàm Minh Phụng, Tổ truyền thông cộng đồng buôn Lách Rung (xã Buôn Triết) chia sẻ, thông qua tác phẩm này, đội thi muốn gửi gắm thông điệp: Người chồng là trụ cột của gia đình, không nên lạm dụng chất kích thích, bia rượu… Nếu có tình trạng bạo lực gia đình xảy ra, người dân hãy báo ngay cho cán bộ địa phương để giải quyết ngay từ ban đầu, từ đó dần xây dựng gia đình văn minh, no ấm, bình đẳng và tiến bộ.

Theo anh Y Poan Bkrông, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng buôn Mliêng (xã Đắk Liêng), hội thi lần này là cuộc gặp gỡ để trao đổi nhiều nội dung bổ ích. Các thành viên ý thức được việc tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là vấn đề hay, cần tiếp tục tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến các gia đình ở từng thôn, buôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Với vai trò là cán bộ phụ trách buôn, cũng là người chồng, người cha trụ cột của gia đình, qua hội thi này, tôi nhận thấy nhiệm vụ của người đàn ông rất quan trọng để “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Trước tiên mình phải là người hiểu biết được pháp luật để gương mẫu trong cách xưng hô, mối quan hệ, ứng xử, giao tiếp… với vợ con. Đồng thời, bản thân cũng phải cố gắng lao động, sản xuất để có kinh tế ổn định, lo cho con cái học tập và chăm sóc gia đình. Khi gia đình thực sự hạnh phúc thì mới làm gương, tuyên truyền được người dân nghe theo”, anh Y Poan Bkrông chia sẻ thêm.

Tiết mục tiểu phẩm được nhận giải hay nhất tại hội thi của Đội thi xã Buôn Triết.

Tương tự, chị H Joar Trei, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng buôn Tusria (xã Nam Ka) cũng rất phấn khởi khi tham gia hội thi và được cập nhật nhiều kiến thức hữu ích. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho hội thi, chị đã nghiên cứu, tìm đọc nhiều loại tài liệu liên quan đến kiến thức bình đẳng giới, bạo lực gia đình… Nhờ vậy, khi tham gia phần thi kiến thức về xử lý tình huống, đội thi của chị đã đoạt giải xử lý tình huống hay nhất. Cùng với đó, chị còn được xem các tiểu phẩm mang thông điệp truyền tải đầy ý nghĩa. Đó là bài học quý báu để chị áp dụng tuyên truyền cho người dân trong buôn.

Bà Nguyễn Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của đảng ủy và phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của UBND các xã, thị trấn nên toàn huyện đã thành lập được 48 tổ truyền thông cộng đồng, với 424 thành viên. 10 đội thi đại diện cho các tổ truyền thông cộng đồng tham gia hội thi lần này đã đầu tư kỹ lưỡng, công phu từ ý tưởng, dàn dựng cho đến trang phục biểu diễn.

Đồng thời, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế của đội ngũ làm truyền thông Dự án 8 trong việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình vào các tiểu phẩm mang tính dí dỏm, hài hước nhưng lại rất thực tế, có ý nghĩa sâu sắc.

Qua hội thi này, tin tưởng rằng các cán bộ, đại biểu, hội viên tham gia sẽ là những “tuyên truyền viên” tích cực, lan tỏa sâu rộng kiến thức về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.