Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ mất an toàn từ điện tự kéo

08:21, 22/10/2024

Hàng chục năm qua, người dân một số buôn ở huyện Lắk vẫn phải tự kéo điện để sử dụng sinh hoạt và sản xuất. Tình trạng này kéo dài khiến người dân thấp thỏm lo âu trước nguy cơ mất an toàn.

Thấp thỏm nỗi lo mất an toàn

Gần 20 năm nay, 42 hộ dân tại buôn Bhôk (xã Yang Tao) có nhà cách xa đường dây hạ áp nên phải kéo điện bằng trụ gỗ tạm để sinh hoạt, sản xuất.

Theo quan sát, một số đoạn đường dây điện được kéo băng qua ruộng, được chống đỡ bằng những cột gỗ, tre tạm, cao khoảng 7 - 8 m so với mặt đất. Từ điểm kéo điện đến nhà các hộ dân dài nhất là 700 m, một số đoạn dây điện đã bị trầy vỏ, lộ ruột rất nguy hiểm.

Ông Y Al Trei, Trưởng buôn Bhôk cho hay, hầu hết bà con nơi đây có hoàn cảnh khó khăn nhưng phải bỏ ra từ 5 - 25 triệu đồng để mua dây kéo điện sinh hoạt.

Thực tế trong những năm gần đây, mưa to kèm theo gió lớn khiến các cột chống dây điện thường xuyên bị gãy đổ, nước lũ cuốn trôi, gây ra tình trạng chập, cháy cầu chì. Tuy chưa xảy ra thương vong về người nhưng có đến 3 con trâu đã bị điện giật chết và nhiều thiết bị điện tử của người dân bị hư hỏng.

“Mạng nhện” dây điện tự kéo của người dân buôn Krai (xã Bông Krang, huyện Lắk).

Anh Y Đa Viết Bkrông (người dân buôn Bhôk) than thở, năm 2006, để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, gia đình đã vay mượn hơn 5 triệu đồng để kéo điện. Tuy nhiên, các dây điện tự kéo đấu nối với nhiều hộ khác nên luôn trong tình trạng yếu, khiến nhiều thiết bị điện của gia đình thường xuyên bị cháy. Mỗi lần sửa các thiết bị này tốn khoản tiền không nhỏ. Mặc dù đã nhiều lần ý kiến với địa phương nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Còn tại buôn Krai (xã Bông Krang), năm 2019, sau nhiều lần phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri, bà con được Điện lực Lắk khảo sát và đầu tư 350 m đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp giai đoạn 2020 - 2024. Tuy nhiên, đường dây chỉ kéo được một nửa nên hiện tại vẫn còn 37 hộ phải tự “câu” điện về dùng. Qua quan sát, dây điện kéo như “lưới nhện” chằng chịt trên các cọc nhôm nhỏ cao tầm 5 m  nghiêng ngả rất nguy hiểm. Theo ông Y Lập Buôn, Bí thư Chi bộ buôn Krai, bà con phải đóng góp mỗi hộ khoảng 5 triệu đồng để dựng hơn 200 trụ sắt kéo điện về dùng. Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ phải dùng chung 1 công tơ điện nên không chỉ khiến tình trạng điện yếu diễn ra thường xuyên mà còn gây ra mâu thuẫn, mất an ninh trật tự bởi việc phân chia tiền điện.

Chị H’Phai Ê Ung bức xúc: "Hễ mỗi lần mưa to là điện chập cháy liên tục rất nguy hiểm. Vào giờ cao điểm sử dụng điện như chiều tối nấu cơm, xem tivi rất dễ bị chập cháy do nhiều hộ cùng sử dụng. Tình trạng mất điện cũng thường xuyên xảy ra khiến việc học tập của con cái chúng tôi rất khó khăn. Đặc biệt, chi phí điện sinh hoạt khá cao, mỗi tháng từ 300.000 - 500.000 đồng. Cứ 4 - 5 hộ chung nhau 1 công tơ điện nên thường xuyên xảy ra tranh chấp, xích mích việc trả tiền điện mỗi tháng. Dây điện để lâu còn bị oxy hóa, gia đình tôi đã phải thay mới 2 lần, mất khoảng 5 triệu đồng".

Nguyên nhân do đâu?

Không chỉ riêng 2 buôn trên, hiện nay tại huyện Lắk còn nhiều địa phương dùng điện tự kéo như: buôn Thái, buôn Hang Ja, buôn Jang Kring, thôn Sân Bay (xã Bông Krang), với khoảng trên 30 hộ; buôn Ja Tu, buôn Tung 3 (xã Buôn Triết), với khoảng 32 hộ…

Theo UBND huyện Lắk, nguyên nhân là do dân cư phân tán rải rác, xa đường hạ thế hiện có; chưa được đầu tư đường dây trung áp, hạ áp. Bên cạnh đó, huyện Lắk là địa phương khó khăn nên việc bố trí kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng hằng năm chủ yếu tập trung vào những công trình thiết yếu, cấp bách. Vì vậy việc đầu tư nâng cấp đường dây trung và hạ áp bảo đảm phục vụ sử dụng an toàn điện cho tất cả các thôn, buôn, điểm dân cư nhỏ lẻ tại địa phương còn hạn chế.

Nhiều dây điện chằng chịt kéo qua khiến trụ sắt nghiêng ngả rất nguy hiểm tại buôn Krai (xã Bông Krang, huyện Lắk).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã giao cho các xã và các phòng, ban chuyên môn liên tục kiểm tra, rà soát những khu vực mất an toàn về điện cần đầu tư, nâng cấp.

Địa phương cũng đã làm việc với Điện lực Lắk để xây dựng kế hoạch, phương án đầu tư nâng cấp, xem xét đưa vào các nguồn vốn đầu tư của huyện.

Năm 2024, Điện lực Lắk đã xây dựng kế hoạch đầu tư và được Tổng Công ty Điện lực miền Trung phê duyệt danh mục đầu tư hoàn thành đường dây hạ áp vào năm 2025, bảo đảm cung cấp điện an toàn cho các hộ dân tại buôn Bhôk (xã Yang Tao) và thôn Đoàn Kết, buôn Tung (xã Buôn Triết).

Còn tại xã Bông Krang, địa phương đã đưa hạng mục đầu tư nâng cấp đường dây trung và hạ áp vào Dự án sắp xếp, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn xã an toàn khu được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào cuối năm 2023.

Dự kiến công trình sẽ được thi công và hoàn thành vào năm 2025, với quy mô đầu tư 628 m đường dây trung áp và 2.173 m đường dây hạ áp đi riêng xây dựng mới, 1 trạm biến áp bảo đảm an toàn lưới điện cho trên 65 hộ dân.

Đối với các hộ ở xa khu dân cư còn lại, huyện sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế hiện trạng, xét mức độ cần thiết, cấp bách, có ảnh hưởng đến quyền lợi và sự an toàn của người dân, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để lập danh mục đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Lãnh đạo Điện lực Lắk khẳng định, trong thời gian tới, đơn vị sẽ cố gắng đẩy nhanh thủ tục, sớm thi công các hạng mục được phê duyệt đầu tư trong năm 2025 để bà con có điện lưới bảo đảm an toàn. Đồng thời, ngành điện lực sẽ tiếp tục rà soát những khu vực chưa có điện để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung vào danh mục đầu tư hạ tầng điện cho người dân tại địa phương.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.