Multimedia Đọc Báo in

Tạo dựng hệ sinh thái học tập suốt đời

08:45, 16/10/2024

Phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030 đang được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tiễn.

Khuyến khích tinh thần tự học

Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch tương ứng về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời  và xây dựng mô hình công dân học tập, gần đây nhất là Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Học tập suốt đời là một trong những chủ điểm giáo dục quan trọng, xuyên suốt trong trường học. Nhà trường khuyến khích học sinh xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ cho nhau phương pháp học tập để cùng tiến bộ. Việc học tập không chỉ trong chương trình chính khóa mà còn mở rộng hoạt động ngoại khóa nhằm tích lũy kỹ năng sống, kỹ năng mềm và tăng cường áp dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống.

Công tác tuyên truyền về hoạt động xây dựng xã hội học tập được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, đặc biệt là vai trò của hội khuyến học các cấp. Việc xây dựng các mô hình học tập gắn với đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng. Đã có 43 tập thể, dòng họ, đơn vị và 37 gia đình, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác khuyến học được Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng. Kết quả này có những tác động tích cực đến sự phát triển chung của tỉnh, nâng cao nhận thức về xã hội học tập.

Chuyên gia của Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên tập huấn kỹ năng tham mưu và quản lý nhóm cho cán bộ đoàn khối trường phổ thông trung học. Ảnh: Vân Anh

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào kinh doanh sản xuất, nên việc cập nhật kiến thức để làm việc càng trở nên cần thiết. Những tấm gương tự học, khởi nghiệp, lao động sáng tạo... được tôn vinh, nhân rộng là một cách thức lan tỏa tinh thần tự học trong cộng đồng.

Có thể thấy, các hoạt động tạo dựng hệ sinh thái học tập suốt đời đã tạo điều kiện để người dân ở mọi trình độ, lứa tuổi được học mọi lúc, mọi nơi, để nâng cao năng lực thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội.

Quan tâm xây dựng mô hình học tập

Qua các giai đoạn thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” từ năm 2005 đến nay trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng, nhất là mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng các mô hình học tập. Tuy nhiên, việc xây dựng xã hội học tập vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức.

Báo cáo thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” của tỉnh đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai như: công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm; các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn; số người mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả xoá mù chữ không bền vững, hiện tượng tái mù chữ còn khá lớn… Kết quả kiểm tra công tác xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023 công nhận tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tuy nhiên mức này vẫn còn thấp so với mục tiêu mà Đề án đặt ra là đến năm 2025 có 70% số tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Ứng dụng công nghệ trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời chưa thực sự hiệu quả. Trong việc xây dựng các mô hình học tập, quy định đăng ký thực hiện mô hình học tập qua phần mềm ứng dụng là một thách thức với cấp cơ sở, nhất là tuyến xã, khi thiếu cả nhân lực lẫn hạ tầng công nghệ và kinh phí thực hiện …

Thành viên CLB Tiếng Anh tỉnh dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh. Ảnh: V.Anh

Từ thực tế đó, tỉnh đã xác định những tiêu chí cần quan tâm trong việc thực hiện Đề án giai đoạn tới. Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 mọi người dân trên địa bàn tỉnh đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Để đạt mục tiêu này, nhiệm vụ, giải pháp đề ra là truyền thông và tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời, hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhân rộng các mô hình về xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Cùng với đó, HĐND đã ban hành Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 20/6/2024 quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; hỗ trợ người dân tham gia học xoá mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Những chính sách phù hợp được triển khai là yếu tố quan trọng tạo sự linh hoạt và độ mở trong cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo cũng như phương thức học tập của cá nhân, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời trong xã hội học tập.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” xác định phải  xây dựng công dân học tập với 3 năng lực cốt lõi: Năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng các công nghệ; năng lực thiết lập, sử dụng các mối quan hệ xã hội.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.