Multimedia Đọc Báo in

Tạo môi trường đọc từ hoạt động thư viện trường học

08:21, 22/10/2024

Ngành giáo dục đang phối hợp với các đơn vị, địa phương tạo dựng môi trường mở nhằm phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời từ trường học.

Khơi gợi niềm đam mê đọc sách

Tiết đọc thư viện ở Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (phân hiệu buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) diễn ra trên sân trường. Dự án cộng đồng “Thư viện mùa xuân” đem đến cho tiết đọc hơn 2.000 đầu sách các loại, chủ yếu là sách thiếu nhi về chủ đề khoa học tự nhiên, truyện cổ tích, truyện tranh… Dưới bóng mát của cây bàng, học sinh quây quần thành nhiều nhóm chăm chú đọc sách, tô tượng, tô tranh, thỉnh thoảng lại trao đổi với nhau những thông tin vừa đọc được một cách thú vị. 

Nghỉ giải lao sau khi đọc xong cuốn sách, em Huỳnh Ngọc Phi Yến Byă (học sinh lớp 5E) vui vẻ khoe rằng, hồi nhỏ thường được ba mẹ đọc sách cho nghe trước khi ngủ nên em dần có thói quen đọc sách. Hiện tại, ngoài giờ học em thường đọc sách tại nhà, bắt đầu từ sách giáo khoa đang học rồi đến sách mượn của các anh chị lớp trên (sách giáo khoa Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí...). Do đó em thấy tiết đọc hôm nay với nhiều thể loại sách mới rất thú vị.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (phân hiệu buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đọc sách tại sân trường. 

Cô Trần Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ, tiết đọc thư viện là tiết học bắt buộc theo chương trình học bậc tiểu học và được tổ chức theo khối lớp hằng tuần. Việc phối hợp với Dự án cộng đồng “Thư viện mùa xuân” đã đem đến những cuốn sách mới với không gian mở mới lạ trên sân trường, có sức thu hút học sinh. Đây là những trải nghiệm quý giá cho học sinh, đồng thời giáo viên sẽ có thêm kinh nghiệm tổ chức tiết đọc thư viện thú vị theo hướng mở.

Anh Phạm Thanh Tuấn, người sáng lập dự án “Thư viện mùa xuân” tâm sự, sách phải được mang đến nơi cần sách và không gian mở để có cơ hội tiếp cận với nhiều người. Một cuốn sách có thể đọc nhiều lần và có thể đọc lại nên dự án triển khai theo hướng trải nghiệm xoay quanh sách. Song hành với đọc sách là chia sẻ cảm nhận về sách. Đó là cách thức để hướng dẫn học sinh đọc sách hiệu quả, có chủ đích, tiếp nhận những thông tin thú vị từ sách mang lại. Sau 3 năm hoạt động, dự án “Thư viện mùa xuân” đã "lăn bánh" đến hơn 70 điểm trường, buôn làng, nhà văn hóa cộng đồng trên các tỉnh Tây Nguyên, góp phần khơi gợi tình yêu sách, xây dựng văn hóa đọc cho học sinh.

Cần khai thácthế mạnh số hóa thư viện

Ở bậc trung học, việc phát triển văn hóa đọc thuận tiện và đa dạng hơn khi học sinh có thể chủ động tiếp cận sách từ nhiều nguồn khác nhau. Để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, các cơ sở giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thư viện.

Với hơn 11.000 bản sách các loại, thư viện Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) luôn mở cửa từ thứ hai đến thứ bảy để phục vụ học sinh. Cô Phạm Thị Hoa, nhân viên thư viện cho hay, đa số học sinh của trường ở nội trú nên các em thường xuyên lên thư viện để đọc sách. Hiện tại, thư viện thực hiện nhập dữ liệu vào phần mềm VietBiblio để đẩy mạnh số hóa hoạt động thư viện, tạo sự thuận lợi cho học sinh khi mượn sách. Các em có thể tìm sách trên phần mềm VietBiblio để biết tên sách, hiện trạng của sách (hiện đang có tại thư viện hay đã có người mượn), thời gian của người mượn trước đó…

Học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (huyện Krông Pắc) đọc sách tại trường trong giờ ra chơi.

Hằng năm, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể theo từng cấp học để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thư viện trường học trong môi trường số hóa.

Trong buổi tọa đàm về nội dung “Phát triển văn hóa đọc trong các thư viện trường THPT” do Sở GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức mới đây, đại diện hơn 60 cơ sở giáo dục bậc THPT trên toàn tỉnh đã chia sẻ, thảo luận về việc gây dựng văn hóa đọc tại trường học trong bối cảnh số hóa hiện nay. Theo đó, thư viện trường học cần khai thác thế mạnh số hóa thư viện để bắt nhịp với nhu cầu học tập và tìm kiếm tài liệu cho học sinh THPT, nhất là việc hướng nghiệp.

Ông Nguyễn Quý Hoàn, Giám đốc Thư viện Trường Đại học Nha Trang nhấn mạnh: bậc THPT có mức độ phân hóa nghề nghiệp cao với nhiều môn học mới; mức độ kiến thức chuyên sâu và đa dạng hơn bậc Tiểu học và THCS, đặc biệt là những môn học mang tính nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật. Do đó số hóa và tiếp cận dữ liệu từ các thư viện liên kết, thư viện bậc đại học sẽ đem đến không gian mở trong tiếp cận kiến thức, lựa chọn nghề nghiệp tương lai học sinh.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.