Multimedia Đọc Báo in

Giới trẻ với sách và văn hóa đọc

16:24, 25/04/2023

1. Nếu văn hóa được xem là “hồn cốt” tạo nên hình ảnh của mỗi dân tộc, quốc gia thì văn hóa đọc cũng cần được xác lập với vị thế xứng tầm trong tiến trình phát triển một đất nước văn minh và hạnh phúc.

Tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện cho người đọc những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Để hiện thực hóa được việc này, trước hết phải bắt đầu từ giới trẻ, bởi để tạo dựng thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc sâu rộng và hiệu quả, nếu không là giới trẻ thì sẽ khó có ai khác có thể kiến tạo và xây dựng văn hóa đọc trong xã hội, nhất là với đất nước được xem là dân số vàng như Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi năm một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Còn theo báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2022 tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người Việt Nam đọc sách thường xuyên.

Từ những thống kê trên, có thể sẽ có những lý giải khác thay cho các con số rằng: Thời đại công nghệ, truyền thông đa phương tiện, người ta có thể đọc bằng nhiều cách và không nhất thiết cứ phải là sách, rằng lướt điện thoại xem tin tức cũng là một cách đọc!

Nhưng không hẳn thế. Sách vẫn mang giá trị riêng có của nó, vẫn tồn tại với một vị trí và chỗ đứng không thể thay thế, như nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen đã khẳng định: “Người càng thông thái thì càng đọc nhiều và những người thông thái nhất là những người đọc nhiều nhất”. Như vậy, đọc sách chính là “chìa khóa vạn năng” giúp mỗi chúng ta nâng tầm hiểu biết để vươn tới biển cả tri thức! Đọc sách hay “văn hóa đọc” được hiểu nôm na chính là thái độ, là cách ứng xử của mỗi người đối với tri thức, sách vở, là thể hiện sự khát khao, tìm kiếm nguồn tri thức của mỗi người, nhằm vươn đến “Chân – Thiện – Mỹ”.

 

2. Có câu nói: “Một cuốn sách hay trên giá sách là một người bạn, dù quay lưng lại nhưng vẫn là bạn tốt”. Vậy tại sao chúng ta lại quay lưng với người bạn tốt?

Bởi không thể khác, sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Sách chính là người bạn tâm giao, người bạn tri kỷ của chúng ta, nhờ có sách mà con người được khai sáng, dẫn lối đến một chân trời hoàn toàn mới lạ, ở đó con người trở nên sáng tạo và hiểu biết nhiều hơn.

Câu chuyện xây dựng thói quen đọc sách, bồi bổ tâm hồn cho giới trẻ ngay trong từng gia đình, rồi đến lớp học, nhà trường…, hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chỉ mới dừng lại ở việc hô hào, rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Phải chăng, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe - nhìn “lấn át” văn hóa đọc đã khiến cho rất đông chúng ta, đặc biệt là giới trẻ xa dần với thói quen đọc sách mỗi ngày. Cùng với đó, xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ồ ạt, mặt trái của công nghệ số đã khiến cho giới trẻ ngày nay không chịu/lười đọc sách, không còn yêu mến sách. Việc đọc sách vì thế cũng rất hạn chế. Văn hóa đọc ngày nay không đủ sức thu hút đông đảo các bạn trẻ bởi nhiều lý do. Thư viện, hiệu sách vắng bóng độc giả, nhường chỗ cho nhà hàng, quán cà phê, karaoke, tiệm Internet... Trong trường học, ngoài sách giáo khoa và sách tham khảo dùng cho môn học, hiếm có bạn học sinh/sinh viên nào dùng tiền để mua các loại sách khác, hoặc dùng thời gian rảnh rỗi để tới thư viện, hiệu sách tìm đọc… Xem ra đây là một thực trạng buồn.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng chia sẻ: Nếu trong đầu mỗi người có 100% kiến thức thì có khoảng 20% kiến thức thu nhận từ giảng đường, 40% thu nhận từ sách nhờ văn hóa đọc và 40% kiến thức từ lăn lộn thực tiễn. Và cũng theo ông Hợp “người ta có thể đọc báo để có thông tin làm giàu tốt hơn, đọc tạp chí để có kiến thức làm nghề tốt hơn, nhưng chỉ có đọc sách mới có vốn sống để làm người tốt hơn”. Vì vậy, thúc đẩy văn hóa đọc hiện nay không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi theo phong trào mà điều cần thiết là phải tạo được không gian, tạo cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận văn hóa đọc, nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về giá trị của việc đọc sách, đồng thời xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách mọi lúc, mọi nơi... để giới trẻ không quay lưng, thờ ơ với sách. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và đặc biệt là các nhà trường cần lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ, thúc đẩy việc phát triển trong cộng đồng, hình thành xã hội học tập, xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa là mục tiêu cần hướng đến.

Minh Đăng


Ý kiến bạn đọc