Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên phát huy giá trị những “địa chỉ đỏ”

07:42, 04/10/2024

Những di tích lịch sử văn hóa, những địa điểm gắn với sự kiện lịch sử chính là "địa chỉ đỏ" góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử trên nền tảng số

Tháng 8 vừa qua, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã thành lập đội hình tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu di tích lịch sử, công trình văn hóa trọng điểm cấp quốc gia và địa phương với 80 thành viên.

Các thành viên trong đội hình có nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trên địa bàn bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng khác nhau, bảo đảm tính chính xác về nội dung thông tin và sự chỉ đạo của cấp trên.

Trong đó, tăng cường chia sẻ thông tin, cung cấp mã QR của các công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử” trên mạng xã hội để đoàn viên, thanh niên và người dân, du khách biết nhiều hơn về các danh lam, di tích tại TP. Buôn Ma Thuột.

Đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm chiến thắng Đèo Cư Djrê tìm hiểu, cập nhật những thông tin về điểm di tích bằng mã QR.

Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc tham gia giữ gìn, phát huy, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn, Huyện Đoàn Ea Súp vừa thành lập đội hình giới thiệu, tuyên truyền về di tích kiến trúc cấp quốc gia Tháp Yang Prong.

Tháp Yang Prong hay còn gọi là Tháp Chàm rừng xanh nằm ở thôn 5, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp). Cùng với Hồ Ea Súp thượng và Ea Súp hạ, Tháp Yang Prong đã làm phong phú thêm các điểm đến cho du lịch Ea Súp. Tuy nhiên do nằm cách TP. Buôn Ma Thuột gần 100 km, đường vào lại rất khó khăn nên tháp còn quá xa lạ với nhiều người dân trong cũng như ngoài tỉnh.

Anh Phạm Đắc Hoàng Vũ, thành viên của đội hình tâm sự: “Là một người sinh ra và lớn lên ở đây, tôi luôn mong muốn quê hương mình sẽ được nhiều người biết đến hơn. Tham gia vào đội hình, chúng tôi không chỉ có thêm sự hiểu biết mà còn có cơ hội quảng bá, giới thiệu về các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của địa phương mình qua nhiều kênh, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền qua mạng xã hội để giúp người dân tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa được thuận tiện, góp phần phát triển du lịch địa phương”.

 
Công tác giáo dục lịch sử truyền thống đã tạo động lực tích cực, giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, tự hào, trân trọng về truyền thống cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, sống có lý tưởng.Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc, góp phần viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc”, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Phan Thị Trinh.
 

Huyện Đoàn Ea H’leo vừa ra mắt Đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm chiến thắng Đèo Cư Djrê, xã Ea Ral gồm 26 thành viên do Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Ea Ral làm đội trưởng; đồng thời thực hiện công trình thanh niên "Chuyển đổi số trong lịch sử - văn hóa" tại di tích. Hiện nay, người dân, du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể tìm hiểu, cập nhật được những thông tin về điểm di tích.

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng cho thanh thiếu nhi là nền móng xây dựng thế hệ trẻ "vừa hồng, vừa chuyên", những năm qua, đoàn thanh niên các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Các cấp bộ đoàn đã tổ chức viết bài tìm hiểu, triển khai các buổi nói chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương; lồng ghép những nội dung tuyên truyền, giáo dục gắn với các đợt sinh hoạt chính trị “Tiếp lửa truyền thống”, “Theo bước chân những người anh hùng”, các buổi tọa đàm, đối thoại, trao đổi với thanh niên về những chủ đề “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”, triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ Đắk Lắk học tập và làm theo lời Bác”.

Các đơn vị còn tổ chức các hoạt động đến với “địa chỉ đỏ”; thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách; nhận chăm sóc, bảo dưỡng các di tích lịch sử, nhà bia tưởng niệm.

Đây được xem là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất, vừa tri ân, vừa nhắc nhở thế hệ trẻ của tỉnh ngày nay tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp cách mạng bằng việc góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Cụ thể là luôn nêu cao lòng tự hào dân tộc, gương mẫu chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội…

Đoàn viên thanh niên dâng hương, hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Thường xuyên được tham gia các hành trình về nguồn, chị Nguyễn Thị Phúc (Chi đoàn Cục Quản lý thị trường tỉnh) chia sẻ: “Khi đến với những “địa chỉ đỏ”, được lật giở những trang sử hào hùng, chúng tôi vô cùng xúc động, tự hào. Đó là chứng nhân, là nơi để giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.