Multimedia Đọc Báo in

Thiết lập phương án phòng, chống dịch bệnh sởi

08:36, 01/10/2024

Sau thời gian tiến hành điều tra, giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ về tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp đã được ngành y tế đưa ra để phòng chống dịch bệnh này lây lan rộng.

Chủ động tiêm bù, tiêm vét

Từ đầu năm đến nay, xã Cư Êbur là địa bàn ghi nhận số trường hợp mắc sởi cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột. Phó Trưởng Trạm Y tế xã Cư Êbur Y Suôn Ênuôl cho biết, để ứng phó với dịch bệnh, Trạm đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực tổ chức điều tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ tại cộng đồng; thực hiện cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, từ tháng 8/2024, Trạm đã triển khai tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho toàn bộ 7 thôn, buôn với 363 trẻ từ 1 tuổi đến dưới 5 tuổi, đạt trên 85%.

Hiện trạm đang tiếp tục phối hợp với các trường học trên địa bàn, họp các buôn trưởng, nhóm, tổ liên gia rà soát danh sách các trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh, trong đó chú trọng đến các “vùng lõm” tiêm chủng trên địa bàn xã để tiến hành tiêm bổ sung kịp thời, tránh bỏ sót đối tượng.

Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.   

Không chỉ Trạm Y tế xã Cư Êbur, hiện tất cả các trạm y tế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng đang tổ chức điều tra, rà soát trẻ em trong độ tuổi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và tổ chức tiêm bù, tiêm vét.

Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, toàn thành phố đã ghi nhận 98 trường hợp mắc sởi tại 16/21 xã, phường. Ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc sởi, Trung tâm Y tế thành phố đã chỉ đạo trạm y tế các xã, phường tiến hành rà soát, tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng sởi cho trẻ em, riêng tại xã Cư Êbur đến nay đã tiêm hơn 1.500 mũi vắc xin cho trẻ.

Qua rà soát, trên địa bàn thành phố còn hơn 4.000 trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi. Từ ngày 1/10 đến 12/10/2024, ngành y tế thành phố sẽ triển khai tiêm đồng loạt cho số đối tượng này, trong đó tập trung ưu tiên cho trẻ mầm non, sau đó sẽ tới các đối tượng trẻ em ngoài cộng đồng.

Trước việc liên tục gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, Sở Y tế đã đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc sởi mới trên địa bàn quản lý để nhanh chóng chuyển gửi, thu dung điều trị tại các cơ sở y tế nhằm cắt đứt nguồn lây truyền bệnh.

Đồng thời, triển khai truyền thông lưu động bằng các thứ tiếng theo đặc thù dân cư sinh sống ở từng địa phương trong vòng 21 ngày, rà soát danh sách trẻ từ 1 - 5 tuổi (tại các trường mầm non, tại cộng đồng), đối chiếu tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh theo quy định, trong đó có vắc xin phòng bệnh sởi để triển khai tiêm bù, tiêm vét.

Thiết lập các phương án ứng phó

Theo Tiến sĩ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, qua quá trình điều tra, giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ về tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (là hai bệnh viện có số ca điều trị sởi nhiều nhất của tỉnh, trong đó Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là bệnh viện tuyến cuối điều trị các trường hợp sởi nặng, có biến chứng) đều xây dựng kế hoạch, phương án cho các cấp độ dịch về thu dung, cách ly, điều trị bảo đảm phòng chống lây nhiễm sởi tại bệnh viện.

Tuy nhiên, hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm khác (sốt xuất huyết, tay chân miệng...) cũng đang tăng, dẫn đến các khó khăn như quá tải, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng nếu như số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao.

Cán bộ y tế huyện Lắk thông tin về chương trình tiêm chủng mở rộng cho người dân xã Đắk Nuê để cho con em tiêm chủng đúng lịch.

Cũng theo Tiến sĩ Viên Chinh Chiến, hiện nay, số ca sởi tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk đang có xu hướng gia tăng, các bệnh viện (gồm cả tư nhân) trên hai địa bàn này cần phải thiết lập khu vực sàng lọc, cách ly bệnh nhân sởi ngay từ khâu tiếp đón, thiết lập khu cách ly điều trị và phân luồng di chuyển để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đồng thời, các cơ sở khám, điều trị bệnh cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực cho tình huống số ca tăng cao, quan tâm hơn nữa đến yêu cầu bảo hộ cá nhân cũng như công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại khu vực tiếp nhận và điều trị bệnh sởi.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế thành phố, Tiến sĩ Viên Chinh Chiến đề nghị chia sẻ khẩn thông tin ca bệnh của các địa phương khác để chủ động phòng chống. Tất cả các ca bệnh phải được nhập thông tin trên phần mềm theo Thông tư 54 ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, cần phối hợp với ngành giáo dục thông báo đến các trường học trên địa bàn, đặc biệt là các trường mầm non, mẫu giáo cách phát hiện, thông báo trường hợp sốt phát ban nghi sởi, cách ly sớm tại nhà và triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để nhắc phụ huynh đưa con đi tiêm đầy đủ…

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 150 trường hợp mắc sởi tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, số ca mắc cao nhất ghi nhận tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Cư M’gar và Krông Ana.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc