Multimedia Đọc Báo in

Tiếp biến của chế độ mẫu hệ

14:28, 27/10/2024

Chế độ mẫu hệ tồn tại trong tập quán truyền thống và trở thành nét đặc trưng văn hóa riêng có của đồng bào Tây Nguyên, nhất là với dân tộc Ê đê.

Trong chế độ mẫu hệ, người phụ nữ rất được coi trọng. Dấu ấn mẫu hệ biểu hiện khá sâu đậm trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng, việc trong nhà hầu như đều do phụ nữ cai quản; hôn nhân do nhà gái chủ động, đàn ông cưới xong ở rể nhà vợ, con cái sinh ra mang họ mẹ. Họ là chủ trong gia đình, quản lý tài sản, phân chia tài sản khi con cái lập gia đình, trong đó con gái được hưởng nhiều tài sản hơn con trai.

Trải qua nhiều biến động lịch sử và cùng với sự tiến bộ xã hội, những giá trị chuẩn mực truyền thống tốt đẹp trong văn hóa mẫu hệ vẫn được duy trì nhưng có nhiều tiếp biến để phù hợp với xã hội hiện đại. Trong cuộc sống gia đình, đã có sự dịch chuyển theo xu hướng cân bằng vị trí, vai trò của vợ, chồng và các thành viên khác. Phụ nữ không còn “ôm” quá nhiều vai và quán xuyến quá nhiều việc như trước. Họ vẫn giữ quyết định trong công việc hệ trọng, có sự tham gia bàn bạc của chồng và công việc gia đình đã được phân công hợp lý cho các thành viên. Trong đó, việc lao động, gây dựng kinh tế như trồng cà phê, cao su, lúa, sầu riêng, phụ trách tưới tiêu và tìm hướng canh tác bền vững… đều do cả hai vợ chồng đảm nhận. Trong nuôi dạy con cái, đồng hành để lo cho các con và chia sẻ việc nhà để giữ hạnh phúc gia đình, trách nhiệm này thuộc về cả vợ và chồng.

Phụ nữ M’nông ở xã Yang Tao (huyện Lắk) lưu giữ nghề làm gốm truyền thống.

Theo chị H’Bách Niê, dân tộc Ê đê ở buôn M’lốc B (xã Krông Jing, huyện M’Drắk), gia đình chị vẫn theo chế độ mẫu hệ, chồng chị từ buôn khác về ở rể bên nhà vợ, được mẹ vợ chia cho một phần đất, cất nhà ngay sát cạnh bên. Tuy nhiên, vợ chồng bình đẳng cùng gánh chung trách nhiệm với gia đình. Trong nhà, những quyết định quan trọng đều do hai vợ chồng bàn bạc và đi đến thống nhất. Kinh tế do vợ chồng gây dựng từ làm lúa nước, trồng mía, nuôi bò. Ngoài những giờ lên rẫy thì công việc nhà, chị đều được chồng chia sẻ và còn tạo điều kiện để tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương… “Có như vậy gia đình mới hạnh phúc dài lâu”, chị H’Bách nói.

Xã hội tiến bộ, nhận thức về giới và bình đẳng giới được nâng lên. Quyền lực trong gia đình đã có sự cân bằng hơn giữa phụ nữ và đàn ông. Nhiều phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh cũng hiểu hơn về “giới hạn” quyền và trách nhiệm của mình, đàn ông đã phát huy hơn nữa trách nhiệm trong việc chung tay chăm lo giáo dục con cái, gia đình. Chị H’Jiêng Buôn Krông (dân tộc M’nông) ở buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) chia sẻ, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc cần phải có sự đồng thuận của cả vợ và chồng. Để kinh tế gia đình phát triển, cả hai vợ chồng phải cùng làm, cùng lo kiếm tiền. Trong nuôi dạy con cái, người chồng cũng đóng vai trò quan trọng, đồng hành cùng vợ.

Từ trong gia đình đến cộng đồng, phụ nữ đang góp phần gìn giữ chế độ mẫu hệ qua nhiều hoạt động văn hóa, nhất là trong các sinh hoạt văn hóa như lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được duy trì tổ chức tại nhiều buôn làng ở các huyện trong tỉnh. Ở đây, có sự phân công lao động rõ ràng giữa người phụ nữ và đàn ông. Trước ngày buôn làng mở hội, những công việc nặng nhọc như: lên rẫy đốn tre về dựng cây nêu, nhặt củi, nhóm bếp lửa quanh cây nêu… được giao cho cánh đàn ông; việc phân chia sản vật trong nhà để góp cùng dân làng mở hội hay nhẹ nhàng hơn: nấu nướng, trang trí nhà cửa, giữ nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống… là trách nhiệm của phụ nữ.

Phụ nữ Êđê ở xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) trao truyền nghề dệt truyền thống.

Rõ ràng, đời sống đã có nhiều thay đổi nhưng chế độ mẫu hệ vẫn giữ lại những điều tốt đẹp vốn có. Tất nhiên, đàn ông trong dòng tộc cũng đảm nhận vai khác, nhưng quán xuyến hơn cả vẫn là phụ nữ. Và dĩ nhiên, sẽ vẫn có những việc cần phải do chính người phụ nữ tính toán, hoán đổi mới thành. Như trong các bữa ăn hằng ngày, người mẹ đảm nhận vai chính nấu nướng các món ăn truyền thống làm ra bữa cơm ngon cho cả nhà, mẹ truyền dạy lại cho các con điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình, là người trao truyền dạy con gái biết cách dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống… Người làm tốt nhất không ai khác vẫn là phải phụ nữ.

Ngày nay, nét văn hóa mang giá trị mẫu hệ đặc trưng của các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn được giữ gìn nhưng đã có những tiếp biến sâu sắc. Sự “phân quyền và chia quyền” là nhằm san sẻ, xây đắp lo cho gia đình, dòng tộc.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.