Multimedia Đọc Báo in

Xuất cảnh lao động trái phép: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

06:39, 24/10/2024

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp đưa khoảng 1.000 người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Rumani…

Hiện, nhu cầu thị trường cũng như nhu cầu xuất khẩu lao động có xu hướng tăng cao. Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), từ nay đến cuối năm 2024, một số doanh nghiệp hiện cần tuyển dụng khoảng 4.500 - 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nắm bắt cung – cầu tăng cao, các đối tượng xấu đã tung nhiều phương thức, tin giả để lừa đảo lao động chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội như facebook, zalo để đăng tìm kiếm lao động “việc nhẹ, lương cao”, chi phí xuất cảnh thấp, visa lao động khuyến mãi hấp dẫn… sau đó, đưa nạn nhân vào làm việc tại các công ty cờ bạc trực tuyến, kinh doanh tiền kỹ thuật số.

Có trường hợp dụ dỗ người lao động đi theo các con đường “du lịch”, “du học”… nhưng thực tế khi qua nước ngoài phải lao động ở những cơ sở không như cam kết, điều kiện làm việc cực nhọc, vất vả.

Người lao động ở huyện Buôn Đôn (bìa phải) chia sẻ những lợi ích khi xuất khẩu lao động chính ngạch.

Bên cạnh trường hợp bị lừa đảo, một số người lao động sẵn sàng xuất cảnh lao động trái phép, chấp nhận lao động “chui” để đổi đời. Số khác, sau khi làm việc tại nước ngoài thông qua chương trình hợp tác lao động giữa chính phủ hai nước đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp trên đất bạn…

Theo Sở Ngoại vụ, trong 9 tháng năm 2024, đơn vị đã hỗ trợ xác minh thông tin và đề nghị Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thực hiện công tác bảo hộ đối với 7 trường hợp công dân của tỉnh xuất cảnh và lao động trái phép tại Campuchia. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp cũng thông tin, quá trình thực hiện lao động thời vụ tại Hàn Quốc theo chương trình ký kết hợp tác, một số lao động của địa phương đã không tuân thủ quy định, bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Việc người lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không chỉ đối mặt với việc bị bóc lột sức lao động, quỵt lương, nợ lương, môi trường làm việc độc hại; người lao động còn phải trả giá đắt liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Xuất cảnh lao động trái phép khiến người lao động không chỉ bị bắt giữ phải đối mặt việc xử lý theo pháp luật, bị trục xuất về nước mà còn ảnh hưởng lâu dài đến người thân, gia đình, địa phương có người xuất cảnh lao động trái phép.

Nhằm ngăn ngừa tình trạng, cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin về chương trình xuất khẩu lao động để lừa đảo, thu tiền của người lao động, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phát đi nhiều cảnh báo đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn cho biết, tính đến thời điểm này, địa phương chưa có trường hợp lao động bất hợp pháp ở nước ngoài. Tuy nhiên, để phòng ngừa, địa phương đã nỗ lực nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động biết và thực hiện có hiệu quả.

Huyện Buôn Đôn cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động chấp hành tốt pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại; quá trình tham gia lao động, khi hết hạn hợp đồng về nước, không trốn ở lại cư trú bất hợp pháp để phòng tránh những rủi ro khó lường.

Tại Điều 47, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, ngày 1/3/2020 của Chính phủ quy định mức xử phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc