Multimedia Đọc Báo in

Cà phê - một góc hoài niệm

06:58, 03/11/2024

 thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, văn hóa cà phê đã trở thành nét đặc trưng riêng. Theo thời gian, các quán cà phê có sự phát triển, biến tấu, từ phong cách truyền thống đến hiện đại.

Trong đó, có những quán cà phê hoài cổ, gần gũi với thiên nhiên, hoặc mang đậm nét văn hóa bản địa đã mang đến cho khách hàng những trải nghiệm riêng biệt.

Giữa lòng phố thị, những quán cà phê truyền thống, tồn tại lâu đời vẫn hút một lượng khách quen tìm đến. Một số quán mới được xây dựng mang phong cách xưa, cổ điển với không gian ấm cúng, gần gũi, gợi cảm giác xao xuyến, nhớ thương.

Trong một con hẻm nhỏ gần Trường Đại học Tây Nguyên, quán cà phê “Đen” có không gian rộng rãi, mộc mạc với những ngôi nhà được thiết kế đơn giản. Bên trong quán có tông màu cổ kính, ô cửa sổ mang màu của thời gian, nhiều bộ bàn ghế gỗ kiểu xưa được sắp xếp ngay ngắn, một số góc trưng bày các vật dụng xưa như: máy may, điện thoại bàn, tivi đen trắng, radio… mang đến cảm giác hoài niệm.

Nhiều quán cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột mang phong cách xưa, cổ điển với không gian ấm cúng, gần gũi.

Chị Nguyễn Thị Trang (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Ở mỗi góc của quán, tôi như tìm được một phần ký ức tuổi thơ mình. Nhìn các vật dụng thân thương, xưa cũ được trưng bày gợi cho tôi nhớ về những ngày tháng còn sống cùng bố mẹ ở xóm nhỏ. Có lẽ đối với nhiều người, họ tìm đến những quán cà phê không gian hoài cổ như để tìm về ký ức, hay đơn giản chỉ là một nơi yên tĩnh để suy ngẫm về cuộc đời giữa nhịp sống náo nhiệt của xã hội hiện đại”.

Những quán cà phê nhà sàn ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) cũng là điểm đến thú vị, gây ấn tượng bởi không gian truyền thống, mang nét kiến trúc đặc trưng của người Tây Nguyên. Những quán cà phê nơi đây không chỉ đơn thuần bán cà phê, thức uống mà còn kết hợp kinh doanh ẩm thực, một số quán còn tổ chức hoạt động văn hóa, biểu diễn âm nhạc vào cuối tuần hay những dịp đặc biệt… Do đó, nhiều người tìm đến đây vừa để uống cà phê, vừa để trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức món ăn truyền thống của cư dân bản địa…

Theo chị Nguyễn Thị Thuý Hằng (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), chính sự độc đáo trong kiến trúc, văn hoá và sự tiện lợi khi kết hợp giữa cà phê, ẩm thực nên đây là địa điểm chị và bạn bè thường lui tới. Còn gì tuyệt hơn khi mời bạn bè thưởng thức “ly cà phê Ban Mê” buổi sáng bên ngôi nhà sàn để cảm nhận hương vị thơm ngon, hòa quyện trong đó là cái nắng, cái gió của núi rừng Tây Nguyên...

Những quán phê có không gian mở, gần gũi với thiên nhiên luôn hút khách tìm đến.

Còn có nhiều quán cà phê ở Buôn Ma Thuột với không gian mở, gần gũi thiên nhiên hút khách tìm đến để thưởng thức cà phê cùng cảnh sắc. Nhiều quán có “view” đẹp, hướng mình ra cánh đồng xanh ngắt, dòng suối uốn lượn, núi đồi, là nơi tuyệt đẹp để ngắm nhìn hoàng hôn, thành phố...

Ở phố núi Ban Mê, cà phê không chỉ đơn thuần là một thức uống mà còn là một phần của văn hóa và phong cách sống của người dân nơi đây. Tùy vào sở thích, mỗi người chọn cho mình một quán cà phê, có khi là gặp gỡ bạn bè, có khi là làm việc, học tập, đọc sách hay chỉ đơn giản là dành một góc riêng để thư giãn như một cách sống chậm trước nhịp sống hiện đại hối hả...

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.