Multimedia Đọc Báo in

Chuyện không chỉ của ngành giáo dục

14:37, 27/11/2024

Mục tiêu lớn nhất của ngành giáo dục là làm cho học sinh phát triển toàn diện cả về sức khỏe, đạo đức, trí tuệ và có ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao trách nhiệm với cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trường học đầu tiên

Giáo dục là một trong những chức năng quan trọng của gia đình. Đây là trường học đầu tiên của mỗi con người. Môi trường giáo dục tốt trong gia đình có nền tảng là truyền thống, gia phong, trong đó hầu hết đều bắt đầu từ tình thương yêu, biết kính trên nhường dưới, biết ơn, hiếu thảo...

Bên cạnh hình thành đạo đức, nhân cách, nhiều gia đình cũng giáo dục cho con cái về tình yêu, hôn nhân và định hướng nghề nghiệp. Nếu được giáo dục tốt, khi con cái đến tuổi trưởng thành sẽ có kỹ năng ứng xử trong vấn đề tình cảm, giới tính và có được những tri thức nền tảng, có nghề nghiệp phù hợp để đóng góp cho xã hội, đất nước.

Chăm lo cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường. (Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Cư M’lan, huyện Ea Súp trong giờ ăn trưa được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa).

Theo các nhà tâm lý sư phạm, giáo dục trong môi trường gia đình, bố mẹ cần tôn trọng con trẻ từ tính cách, sở thích, suy nghĩ; chịu khó lắng nghe, không áp đặt, xúc phạm làm tổn hại đến tinh thần và thể chất của con. Sự thiếu tôn trọng con cái dẫn đến những tác hại nặng nề về tâm lý.

Đứa trẻ không được tôn trọng, giúp đỡ thường tỏ ra bi quan, rụt rè. Những em được tôn trọng sẽ tự tin, thoải mái. Bên cạnh đó, người lớn phải nghiêm túc trong việc dạy bảo con cái, nhưng cần nắm bắt tâm lý theo lứa tuổi để có ứng xử phù hợp nhằm giúp con phát triển trí não và tâm hồn, có tính sáng tạo, chủ động.

Có thể nói, giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường vừa hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời vừa có sự so sánh để thúc đẩy những thay đổi tích cực từ cả hai phía. Gia đình giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục con em mình, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi các em tiếp cận nhiều loại thông tin trên mạng xã hội.

Đừng đổ hết trách nhiệm cho nhà trường

Văn hóa học đường là yếu tố quan trọng tạo nên môi trường giáo dục chuẩn mực, góp phần định hình phẩm chất, năng lực của học sinh.

Những năm gần đây, nhiều vụ việc, vấn đề tiêu cực trong môi trường học đường trở thành nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Cô Huỳnh Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột chia sẻ: Bản thân cảm thấy vô cùng trăn trở với những câu chuyện không hay liên quan đến văn hóa học đường trong thời gian qua, bởi các em bị ảnh hưởng rất lớn từ những thông tin trái chiều và hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức trên mạng xã hội. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho học sinh trong giai đoạn hiện nay là điều hết sức cần thiết. Trong quá trình thực hiện công tác giáo dục, nhà trường rất mong muốn các bậc phụ huynh cùng chung tay quản lý và giáo dục toàn diện cho học sinh.

Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên.

Rõ ràng, việc xây dựng văn hóa học đường, phòng, chống bạo lực học đường không chỉ là việc riêng của nhà trường mà cần có sự tham gia của toàn xã hội. Ở góc độ gia đình, phụ huynh nên là tấm gương tốt cho trẻ noi theo, bởi một đứa trẻ lớn lên trong môi trường không có bạo lực, các em sẽ không có xu hướng bạo lực.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên dạy trẻ nhận diện nguy cơ bạo lực và cách thức tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Đối với các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống bạo lực học đường, các khóa kỹ năng; đồng thời, tư vấn hỗ trợ trường học xây dựng các chương trình giáo dục văn hóa ứng xử trong học đường.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc