Multimedia Đọc Báo in

Tiên phong thay đổi định kiến giới

07:12, 03/11/2024

Định kiến giới, khuôn mẫu giới là một trong những rào cản cản trở sự phát triển của thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số.

Là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, thanh niên phải là lực lượng đi đầu trong truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới tại các địa phương.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Tại Hội thảo về thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đắk Lắk mới đây, hơn 1.000 sinh viên đến từ các trường đại học khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được lắng nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa từ chính những người bạn đồng trang lứa.

Sinh ra trong một gia đình có 3 người con ở tỉnh Đắk Nông, từ nhỏ H’Nhi (dân tộc Mạ) đã theo cha mẹ lên nương rẫy. Cùng với nắng gió của vùng đất Tây Nguyên, H’Nhi dần trưởng thành. Nhưng khác những bạn trẻ trong buôn làng chỉ học hết cấp 1, cấp 2 rồi lấy vợ, lấy chồng, H’Nhi nhất quyết nói "không".

Khi học lớp 9, vì cuộc sống quá khó khăn, cha mẹ em không thể lo cho tất cả các con đi học. Nhi có ý định bỏ học để phụ giúp gia đình. Người em gái của Nhi (khi đó học lớp 7) đã nói với mẹ vì Nhi học tốt hơn nên sẽ nghỉ học để nhường cơ hội lại cho chị. Đó cũng chính là động lực để H’Nhi nỗ lực cố gắng hơn trong học tập. Em đã thi đỗ vào lớp Chính trị K2021, Trường Đại học Tây Nguyên.

Sinh viên H’Nhi chia sẻ câu chuyện của bản thân tại Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới.

H’Nhi cho biết, ở buôn làng em vẫn còn nhiều gia đình chưa chú trọng đến việc học hành của con cái. Nhiều gia đình còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ nên càng không quan tâm, chú trọng cho con gái đi học. Chính vì thế, em muốn chứng minh cho mọi người thấy, con gái hay con trai thì cũng đều có thể học tập tốt và phải học tập để có kiến thức thì mới có cách để thoát nghèo và thay đổi cuộc đời. “Trước khi đến với giảng đường đại học, tại quê nhà đã có 3 gia đình đến hỏi cưới nhưng em đã kiên quyết "cãi lời" cha mẹ để được đi học. Bởi lẽ, học không chỉ là ước mơ của riêng em mà đó còn là cách em viết tiếp ước mơ của anh trai, em gái mình. Em sẽ dùng chính câu chuyện bản thân mình để thay đổi định kiến của bà con buôn làng về sự học, để trẻ em của buôn làng có tương lai tươi sáng, làm chủ cuộc đời”, H’Nhi tâm sự.

 

Em mong muốn các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn các chính sách, đặc biệt tạo môi trường pháp lý và xã hội hỗ trợ thay đổi nhận thức về giới; bảo đảm phụ nữ và nam giới có cơ hội tiếp cận như nhau đối với giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội”- sinh viên Triệu Thị Nhung (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng).

Cha mẹ kết hôn sớm, Ka Diễm (dân tộc K’ho, ở Lâm Đồng) được sinh ra khi mẹ em chưa tròn 18 tuổi. Lớn lên trong gia đình không được hạnh phúc, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình từ người cha, Ka Diễm tự nhận thức bản thân phải nỗ lực vươn lên, để cuộc sống của mình không trở thành vòng luẩn quẩn như mẹ.

Ka Diễm chia sẻ rằng, hành trình đến với trường đại học của em là cả một quá trình dài. Bởi lẽ, Diễm không chỉ phải vượt qua những định kiến về giới tính của cộng đồng cho rằng con gái không cần bằng cấp cao và nên kết hôn sớm mà còn vượt qua sự ngăn cản của chính người thân trong gia đình. Năm đầu theo học tại trường Đại học Đà Lạt, Ka Diễm đã phải làm thêm rất nhiều việc như phát tờ rơi, nhân viên chạy bàn... để kiếm tiền trang trải cho việc học. Những nỗ lực đó đã dần thay đổi được suy nghĩ của cha mẹ em. Giờ đây Diễm đã được gia đình ủng hộ hết mình trong học tập, đó là động lực để em tiếp tục theo đuổi hành trình mơ ước. Ka Diễm chia sẻ: "Em mong muốn học được nhiều kiến thức bổ ích để góp sức lực, trí tuệ của mình xây dựng quê hương; đặc biệt là thay đổi nhận thức của bà con buôn làng về sự học, dần xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và các hủ tục lạc hậu khác ở quê nhà”.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong thanh niên

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên, sinh viên là người DTTS học tập, nâng cao trình độ, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm đối tượng thanh niên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thanh niên DTTS vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Với vai trò cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: năm 2021 – 2025, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề "Thanh niên tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển" (Chiến dịch).

Chiến dịch gồm nhiều hoạt động, được Hội LHPN triển khai đồng loạt tại các địa phương như không gian trưng bày hình ảnh/ấn phẩm tuyên truyền và các sản phẩm văn hóa truyền thống của các DTTS; hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên DTTS trong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới; giao lưu trình diễn sáng kiến truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên DTTS…

Sinh viên Phân hiệu Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Gia Lai trình diễn sáng kiến truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Bà Hoàng Thị Hạnh, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội cho rằng, chỉ có thanh niên DTTS mới hiểu về bản sắc văn hóa trong đời sống của dân tộc mình, họ sẽ có phương pháp từng bước đẩy lùi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới… Tuy nhiên, đây là cả một quá trình lâu dài, để xóa bỏ những định kiến này cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện, cổ vũ cho thanh niên thực hiện khát vọng của mình.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, Chiến dịch là cơ hội để sinh viên, thanh niên được trao đổi, chia sẻ, đồng thời lắng nghe, ghi nhận những thông tin cần thiết, ý nghĩa phục vụ cho công việc, cho sự phát triển của bản thân và mong muốn đóng góp cho cộng đồng của mỗi người. Đối với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các ngành liên quan, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận rõ hơn nữa vai trò của thanh niên, sinh viên trong tham gia thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi để có những cơ chế, chính sách phát huy sự đóng góp quan trọng của lực lượng này, đặc biệt là đề xuất cơ chế phát huy trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn II: 2026 - 2030.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.