Tình cảm xóm giềng bị rạn nứt…
Là hàng xóm láng giềng thân thiết với nhau, nhưng chỉ vì xích mích, mâu thuẫn mà hai gia đình phải đưa nhau ra tòa kiện tụng, gây sứt mẻ tình cảm, rất khó hàn gắn lại.
Mới đây, TAND tỉnh tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” giữa nguyên đơn và bị đơn là hàng xóm sát vách nhà nhau.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 8/2022, bà T.T.Đ. (SN 1951, ở thôn 15, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) sửa chữa nhà và xây dựng thêm công trình phụ phía sau. Phần mái sau ngôi nhà giáp liền kề với nhà của ông N.Đ.B. (SN 1990, trú cùng thôn) được bà Đ. cho lợp tôn, làm máng để nước mưa chảy ra đường. Ngày 15/10, bà Đ. có việc về quê nên nhờ con gái trông nom nhà giúp. Khi bà Đ. vắng nhà, ông B. đã tháo dỡ máng nước của gia đình bà Đ. và lắp vào máng nước khác. Đến ngày 17/11, khi con gái bà Đ. qua trông nhà thì phát hiện ngôi nhà bị ngập nước (do máng nước bị thay đổi khiến nước mưa trên mái tôn chảy vào nhà), trần nhà bằng thạch cao có diện tích 60 m2 và một số tài sản khác bị hư hỏng.
Ngày 17/3/2023, giữa bà Đ. và ông B. thống nhất với nhau về việc bà Đ. gọi thợ về sửa trần thạch cao và đường dây điện, chi phí do ông B. sẽ thanh toán. Sau đó, bà Đ. gọi thợ về sửa chữa, thay mới và thông báo số tiền nhưng ông B. không trả. Vì vậy bà Đ. khởi kiện ra TAND huyện Cư Kuin, yêu cầu ông B. phải bồi thường số tiền hơn 23,8 triệu đồng. Đến ngày 19/6/2024, bà Đ. có đơn thay đổi rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu ông B. phải bồi thường tài sản là 54,67 m2 trần thạch cao, 8 bóng đèn led (theo kết quả định giá) là hơn 18,4 triệu đồng.
Về phía ông B. trình bày: Tháng 9/2022, gia đình ông xây căn nhà liền kề phía sau căn nhà bà Đ. Khi chuẩn bị xây nhà, ông có đến gặp gia đình bà Đ. bàn bạc về việc sửa lại hệ thống thoát nước mưa để hạn chế việc hư hỏng tường nhà của hai bên. Khi nhà hoàn thiện thì ông B. đã làm hệ thống thoát nước mưa theo phương án mà bà Đ. đưa ra. Tuy nhiên, trải qua vài cơn mưa lớn, hệ thống thoát nước mưa không kịp thoát ra ngoài, đã chảy ngược vào nhà bà Đ. làm hỏng trần thạch cao và các trang thiết bị khác. Khi bà Đ. gọi thợ đến sửa chữa đã không thông báo cho ông biết để xác nhận phần nào phải sửa chữa, phần nào không cần sửa chữa. Vì vậy, bà Đ. yêu cầu ông thanh toán số tiền hơn 18,4 triệu đồng là không hợp lý, mà chỉ đồng ý trả số tiền 5 triệu đồng.
Minh họa: Đức Văn |
Tại bản án sơ thẩm số 22/2024/DS-ST, ngày 27/6/2024, TAND huyện Cư Kuin tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ.; buộc ông B. phải bồi thường cho bà Đ. số tiền hơn 18,4 triệu đồng; ông B. phải chịu chi phí tố tụng, án phí… Không đồng ý với bản án này nên ông B. kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, Hội đồng xét xử đã bác đơn kháng cáo của ông B.; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 22/2024/DS-ST, ngày 27/6/2024 của TAND huyện Cư Kuin; buộc ông B. phải bồi thường cho bà Đ. số tiền hơn 18,4 triệu đồng…
Vụ việc đã được TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Ở đây không bàn đến việc giữa nguyên đơn và bị đơn ai đúng ai sai, ai được ai mất, nhưng rõ ràng, cả hai bên đã mất đi tình làng nghĩa xóm thân thiết bấy lâu. Giá như, khi mới xảy ra mâu thuẫn, hai bên thiện chí ngồi lại cùng nhau nhẹ nhàng tìm hướng giải quyết; mỗi bên nhường nhịn nhau, "hạ cái tôi" của mỗi người xuống; xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên để giải quyết... thì sẽ không xảy ra hệ quả tiêu cực như hôm nay.
Hà Duy
Ý kiến bạn đọc