Vốn vay tín dụng chính sách:
Sẻ chia nỗi lo học phí cho sinh viên nghèo
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Ana đã nỗ lực thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV), giúp các em có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học tập, có công việc ổn định.
Sau 17 năm triển khai, chương trình tín dụng HSSV đã tạo điều kiện cho hơn 6.000 đối tượng khó khăn tiếp cận được nguồn vốn. Với ưu điểm là lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài, số tiền trả nợ gốc chia thành nhiều đợt, nên nhiều HSSV đã trang trải được chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian học đại học, cao đẳng, trung cấp...
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana giải ngân vốn vay tín dụng chương trình học sinh sinh viên cho người dân. |
Gia đình ông Đỗ Thanh Quang (thôn Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp) có ba người con liên tiếp thi đỗ các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Suốt quãng thời gian từ 2014 - 2022, ông phải nuôi các con ăn học với áp lực kinh tế khó khăn. Ông kể lại, các con lần lượt đỗ vào đại học, ông vừa mừng vừa lo.
Mừng bởi con có cơ hội học tập, việc làm ổn định sau này, lo vì hai vợ chồng chỉ dựa vào diện tích đất sản xuất ít ỏi và làm thuê, khó có thể lo chu toàn cho con học hết đại học. Năm 2014, con trai đầu đỗ đại học, ông không may bị gãy chân do tai nạn giao thông nên không thể đi làm thuê trong thời gian dài.
Đang lo lắng không xoay xở được tiền học phí cho con nhập học thì may mắn được cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn hỗ trợ tiếp cận chương trình tín dụng chính sách HSSV, với số tiền 40 triệu đồng/năm học. Nhờ vậy, việc theo học đại học của con trai ông thuận lợi, hiện nay đã ra trường và làm việc tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Viễn thông FPT Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).
Không chỉ riêng con trai, hai con gái của ông cũng thuận lợi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định nhờ nguồn vốn chương trình HSSV “tiếp sức”. Sau khi học xong, ba người con của ông Quang đều có thu nhập khá nên không chỉ giúp bố mẹ trả khoản nợ đã vay mà còn đỡ đần một phần để bố mẹ xây dựng căn nhà mới khang trang.
Ông Quang trải lòng: “Gia đình tôi rất biết ơn chính sách tín dụng nhân văn này. Vì nếu không có nguồn vốn dành cho HSSV, việc nuôi ba đứa con liên tục trong gần 10 năm qua theo học đại học tại TP. Hồ Chí Minh với nhiều khoản chi phí đắt đỏ thì cực kỳ khó khăn”.
Năm 2020, con trai của ông Bùi Quốc Đạt (thôn Hòa Trung, xã Ea Bông) thi đỗ vào Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Theo học tại một ngôi trường với mức học phí khá lớn (gần 70 triệu đồng/năm) khiến ông Đạt gặp không ít áp lực lo chi phí cho con học tập.
Theo ông Đạt, năm 2021, gia đình gặp biến cố khiến kinh tế bị sa sút, phải bán hết nhà cửa và thuê nhà ở. Thời điểm đó, gia đình vô cùng khó khăn, chỉ còn lại 5 sào đất trồng cà phê xen sầu riêng nhưng vẫn cố gắng vay mượn lo học phí cho con đi học. Năm 2023, nắm bắt được tình hình gia đình, cán bộ tín dụng CSXH địa phương đã hỗ trợ ông vay vốn chương trình HSSV với 60 triệu đồng/năm theo diện khó khăn đột xuất về tài chính.
Ông Đạt chia sẻ: “Khoản vay này đã đỡ đần rất nhiều cho gia đình tôi trong việc lo học phí cho con đi học. May mắn, trong 4 năm theo học tại trường, con trai tôi có thành tích học giỏi, hiện nay đang bảo vệ luận án tốt nghiệp. Hy vọng sau khi ra trường, con tôi sẽ có việc làm ổn định để giúp gia đình nhanh chóng trả được khoản vay”.
Đại diện Hội Nông dân nhận ủy thác tín dụng chính sách xã hội tại xã Ea Na (huyện Krông Ana) kiểm tra thông tin vay vốn chương trình học sinh, sinh viên của người dân. |
Bà Huỳnh Thị Lữ Ái, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Ana cho biết, theo quy định, mức cho vay tối đa hiện nay đã được điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV và mở rộng đối tượng được vay ngoài hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn đột xuất về tài chính, HSSV mồ côi còn thêm đối tượng vay có mức sống trung bình (thuộc hộ nông - lâm - ngư - diêm).
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2024, dư nợ cho vay theo chương trình HSSV tại địa phương chỉ còn hơn 6,4 tỷ đồng, với 140 khách hàng vay. Dư nợ ít đi là do hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm. Mặt khác, đối với đối tượng có mức thu nhập trung bình thì địa phương chưa quan tâm rà soát danh sách để công nhận làm cơ sở cho vay.
Bởi vậy, thời gian tới, Phòng giao dịch sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai nội dung chương trình vay sâu rộng để người dân tiếp cận kịp thời.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về kết quả cho vay, hiệu quả sử dụng vốn và ý nghĩa nhân văn của chương trình tín dụng chính sách; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là hộ có mức sống trung bình có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để phối hợp thực hiện giải ngân theo đúng quy định.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc