Multimedia Đọc Báo in

“Cánh tay nối dài” của y tế vùng biên

08:17, 25/12/2024

Xác định việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người dân vùng biên giới là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn thực hiện tốt chương trình kết hợp quân dân y, tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới.

Là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, đời sống của người dân xã Ia Rvê, nhất là các hộ dân sinh sống giáp biên giới còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Trước nhu cầu cấp thiết về khám, chữa bệnh của người dân địa phương, năm 2014, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê đặt tại thôn 5.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh khám bệnh cho người dân xã Ia Rvê (huyện Ea Súp).

Được điều động về nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh cho biết, toàn xã Ia Rvê có 2.200 hộ gia đình, dân cư phân bố thưa thớt trên địa bàn 14 thôn, phần lớn là dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo. Với chức năng nhiệm vụ của mình, phòng khám thường xuyên phối hợp chặt chẽ với trạm y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chăm sóc sức khỏe; cấp phát thuốc kịp thời cho nhân dân để ngăn chặn dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát quang bụi rậm, sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh...

Trên khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 3 phòng khám kết hợp quân dân y tại địa bàn 3 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp.

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất y tế tại khu vực biên giới còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ bác sĩ quân dân y tại khu vực biên giới huyện Ea Súp đã áp dụng hiệu quả nhiều phương pháp điều trị, bảo vệ sức khỏe người dân. Một trong những phương pháp nổi bật là phương pháp đông tây y kết hợp. Cụ thể như sử dụng thuốc tiêm vào huyệt đạo (gọi là thủy châm) kết hợp với châm cứu và chiếu đèn... Thực tế cho thấy, những bệnh nặng như liệt cơ, thoát vị đĩa đệm đã được chữa khỏi hoàn toàn nhờ phương pháp này.

Chị Nguyễn Thị Hải (thôn 1, xã Ia Rvê), một trong những trường hợp được chữa khỏi bệnh nhờ Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê cho hay, chị là thợ may nhưng không may lại bị liệt cơ bàn tay phải. Ngại đường sá xa xôi, chị Hải tự mua thuốc uống và điều trị bằng nhiều phương pháp dân gian nhưng không khỏi. Thế nhưng chỉ sau 17 ngày điều trị bằng phương pháp thủy châm kết hợp với châm cứu và chiếu đèn tại Phòng khám quân dân y xã Ia Rvê, bàn tay của chị Hải đã dần hồi phục.

Người dân vùng biên giới được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, trong khi ngành y tế còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực thì chương trình kết hợp quân dân y đã góp phần tháo gỡ những khó khăn về các dịch vụ y tế tại vùng biên giới. Sự ra đời của các phòng khám y tế quân dân y kết hợp đã trở thành “cánh tay nối dài” y tế cơ sở đến tận vùng biên giới, để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế tiến bộ, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc