Multimedia Đọc Báo in

Còn nhiều điểm nghẽn

08:09, 25/12/2024

Có thể thấy, công tác hỗ trợ đất đai, nhà ở cho đồng bào DTTS đã mang lại lợi ích lớn cho người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mới đây, Ban Dân tộc - HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát về “Tình hình quản lý, sử dụng đất ở, đất sản xuất do Nhà nước giao (hoặc cấp) cho hộ đồng bào DTTS; việc thực hiện quy hoạch để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo và thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất Nhà nước giao". Qua giám sát cho thấy, triển khai chính sách đất đai nói chung, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, các địa phương không còn quỹ đất sạch để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Quỹ đất thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý, UBND cấp huyện phải lập phương án sử dụng đất chi tiết trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, nhưng đến nay chưa có ý kiến của các bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, địa phương chưa có cơ sở để xem xét phê duyệt phương án sử dụng đất chi tiết đối với quỹ đất nêu trên.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc - HĐND tỉnh giám sát về tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Cư M'gar.

Bên cạnh đó, qua rà soát, đánh giá thì đa số diện tích đất do địa phương quản lý thực tế đã bị lấn, chiếm sử dụng qua nhiều năm. Nếu bố trí quỹ đất này để giải quyết cho các hộ đồng bào DTTS thì phải có kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ về tài sản, vật kiến trúc, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, quỹ đất còn lại chủ yếu là đất rừng nghèo kiệt, sỏi đá, điều kiện sản xuất nông nghiệp hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Dự án 1, Chương trình 1719, giai đoạn 2021 – 2025 chỉ đáp ứng được cho 18% số hộ có nhu cầu hỗ trợ và bố trí 20,5% nhu cầu kế hoạch vốn thực hiện. Ngoài ra, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ (Trung ương 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4 triệu đồng) để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép thì việc mua đất ở là không khả thi, vì đối tượng là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, khả năng huy động tiền hỗ trợ từ người thân, dòng tộc rất hạn chế.

Mặt khác, tình hình quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều hạn chế như: nhiều hộ đồng bào DTTS chuyển nhượng đất do Nhà nước giao (hoặc cấp) sai quy định (trong thời gian 10 năm không được chuyển nhượng); công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách kế thừa, bàn giao hồ sơ qua các chương trình không có hoặc không đầy đủ. Công tác triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn những hạn chế nhất định, chưa có kế hoạch định hướng sát với tình hình đời sống của đồng bào DTTS theo đặc điểm của từng buôn, khu vực nông thôn và khu vực đô thị để phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, phù hợp.

Trong khi đó, theo phản ánh của các địa phương, một số chính sách, chế độ còn bất cập, chồng chéo, dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Do quá trình đô thị hóa nên một số khu vực đã giao đất cho các hộ theo Chương trình 132, 134 hiện nay không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phân khu.

Toàn tỉnh có 1.266 hộ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Nhà nước giao hoặc cấp của các Chương trình 132, 134, 775 và 2085, với diện tích hơn 443 ha (gần 8 ha đất ở, hơn 433 ha đất sản xuất).

Yên Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm 
Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Không chỉ gặp khó trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. ​​​​​​​