Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Bài toán nan giải

09:15, 10/10/2016

Quỹ đất không còn; thủ tục đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc và bất cập; định mức hỗ trợ cùng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội thấp… là những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thật sự gặp khó khăn và nan giải.

Lúng túng trước thực tế

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, trong 3 năm qua (2014-2016) việc thực hiện Chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Quyết định 755) đã bộc lộ sự lúng túng trước thực tế diễn ra. Dễ thấy nhất là vấn đề không còn quỹ đất để cấp cho các đối tượng được thụ hưởng Quyết định trên. Hầu hết các địa phương đều có văn bản gửi các cấp thẩm quyền “kêu cứu” về vấn đề này.

Ông Y Ring A Drơng,Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Các huyện, thị xã, thành phố có kêu đến mấy thì tỉnh cũng không thể giải quyết được, bởi câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm thực hiện Quyết định 755 còn quá “nhiêu khê”. Ông Y Ring chỉ ra sự “nhiêu khê” đó là thủ tục rườm rà, thậm chí là bất cập và vô lý. Đối với các địa phương còn quỹ đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đều gặp khó khăn chung là phải tiến hành đánh giá hiện trạng rừng, tác động môi trường và phải trồng lại rừng thay thế như những dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác. Điều đó khiến chủ đầu tư lúng túng trong quá trình lập hồ sơ, giải ngân thanh toán nguồn vốn thực hiện đề án. Theo ông Y Ring, điều bất cập và vô lý nhất là việc bắt buộc người dân được thụ hưởng Quyết định 755 phải trồng lại rừng theo quy định khi tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi những đối tượng này là hộ nghèo, thiếu đất sản xuất thì làm sao đáp ứng được yêu cầu “cứng nhắc” đó (!?)

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho các hộ dân tộc thiểu số xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho các hộ dân tộc thiểu số xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).

Chính do sự “nhiêu khê” trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nêu trên dẫn tới mục tiêu, kế hoạch và tiến độ thực hiện Quyết định 755 tại nhiều địa phương bị phá vỡ. Đã có không ít huyện, thị xã và thành phố được phân bổ nguồn vốn (chủ yếu là của Trung ương) để thực hiện việc khai hoang, cấp đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi lại vốn do không bảo đảm thời gian. Như vậy rõ ràng các quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm thực hiện Quyết định 755 vẫn còn  nhiều điểm bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi đối với các hộ dân được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

Lựa chọn nào?

Không còn quỹ đất, hoặc còn nhưng khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng chưa được giải quyết, tháo gỡ nên nhiều địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép chuyển sang thực hiện các nội dung khác (bằng nguồn kinh phí Quyết định 755) như: hỗ trợ mua bò sinh sản, mua sắm máy móc nông cụ, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp… Trước mắt, đề nghị này đã được UBND tỉnh đồng ý, nhưng về lâu dài thì Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho rằng phải tiến hành khảo sát, điều tra sát thực nhu cầu của các hộ thuộc diện được thụ hưởng Quyết định 755. Trên cơ sở đó mới biết được nhu cầu của từng hộ để tính toán và đáp ứng cho bà con.

Người dân buôn Ea Nao A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) nhận quyết định hỗ trợ đất sản xuất  theo Quyết định 755.   Ảnh: Thúy Hồng
Người dân buôn Ea Nao A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) nhận quyết định hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định 755. Ảnh: Thúy Hồng

Ông Y Ring A Drơng cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng bằng mọi cách tìm đất sản xuất để cấp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là yêu cầu số một. Bởi để giảm nghèo hiệu quả và bền vững cho bà con, không gì hơn là có đất để tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống và tìm sinh kế phát triển đời sống. Ông Y Ring đặt vấn đề, có hỗ trợ mua bò sinh sản thì  mỗi hộ dân cũng phải có vài sào đất để trồng cỏ cho bò ăn, chứ không lẽ đi mua cỏ (?). Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, hay hỗ trợ mua sắm nông cụ cũng vậy, mục tiêu cuối cùng của người nông dân là phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Không có đất sản xuất thì các giải pháp trên khó mang lại hiệu quả cao.

Vì vậy, về lâu dài Ban Dân tộc tỉnh đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giao cho Ban này làm đầu mối phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát quỹ đất của các công ty nông-lâm nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả  để tham mưu cấp thẩm quyền thu hồi, lập quy hoạch, xây dựng đề án khả thi nhằm cấp đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 755. Đặc biệt, chính quyền địa phương có văn bản kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ có cơ chế phù hợp để giúp Đắk Lắk giải quyết những vướng mắc, bất cập trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cấp cho các đối tượng thụ hưởng Quyết định 755 nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho bà con, bảo đảm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh - trật tự trên địa bàn tỉnh. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.