Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

08:19, 26/12/2024

Nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, thời gian qua ngành y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, khu vực biên giới xóa bỏ tập quán lạc hậu về sinh đẻ, cải thiện đáng kể vấn đề sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số.

Sau khi được cán bộ y tế, dân số đến nhà tư vấn, vận động, chị H’Nun Byă ở xã Cư Klông (huyện Krông Năng) quan tâm tìm hiểu các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh…

Nhờ vậy, trong quá trình từ khi mang thai đến lúc sinh con, chị H’Nun luôn chủ động khám thai đều đặn theo định kỳ; thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để tầm soát, chẩn đoán bệnh, tật bẩm sinh, giúp con sinh ra phát triển khỏe mạnh bình thường.

Còn ông Vũ Xuân Thái cùng với hàng chục người cao tuổi khác ở xã Cư Klông, nhờ tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đã có thêm những kiến thức cơ bản phòng tránh những bệnh thường gặp ở người cao tuổi như: viêm phổi, đột quỵ, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy giảm trí nhớ…

Tư vấn lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2023 đến nay, nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi” trong Dự án 7 Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030) đã được triển khai tại 54 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III). Hằng năm, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và trung tâm y tế các huyện có xã vùng III đã triển khai đồng bộ các hoạt động về phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi; ổn định và phát triển dân số tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, khu vực biên giới...

Trong hai năm 2023 và 2024, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức 116 buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại 9 xã thuộc các huyện Ea Kar, Krông Pắc và 8 xã thuộc huyện Ea Súp, khám sức khỏe cho hàng nghìn người cao tuổi; phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 25 nhân viên y tế cơ sở thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; mở 8 lớp tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động dân số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi hành vi của người dân vùng đồng bào DTTS về chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình; hiệu quả các chính sách hỗ trợ người cao tuổi và công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được cải thiện đáng kể; năng lực quản lý và ổn định, phát triển dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi, khu vực biên giới được nâng lên.

Cán bộ tuyên truyền nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở xã Cư Klông (huyện Krông Năng).

Tuy vậy, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS còn gặp không ít khó khăn và thách thức: địa bàn các xã triển khai nằm ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn thấp; trong năm 2024 có 244 trường hợp tảo hôn, nhiều người dân chưa chủ động tìm hiểu và tham gia sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe trước khi kết hôn... Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk chưa có trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nguồn mẫu sàng lọc sơ sinh miễn phí hạn chế, các trung tâm y tế chưa triển khai được các dịch vụ xét nghiệm máu mẹ để sàng lọc trước sinh…

Để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông về dân số; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở vật chất và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành y tế, từng bước xây dựng và triển khai các dịch vụ y tế tại tuyến xã… để người dân dễ dàng, thuận tiện tiếp cận được các dịch vụ về khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Ngày 16/12/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1576/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại tỉnh Đắk Lắk.

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc