Multimedia Đọc Báo in

Những “nghệ nhân cây xanh” ở Trường Sa

09:03, 26/12/2024

Đồng hành với chiến lược xây dựng 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa “mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về nếp sống, thắm tình quân dân” là chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.

Hiện tại các đảo nổi, đảo chìm nói chung đã phủ được từ 30 - 40% diện tích cây xanh so với diện tích bề mặt của đảo. Đây là công sức rất lớn của các cán bộ, chiến sĩ hải quân, họ được xem là những “nghệ nhân cây xanh” ở Trường Sa.

Để thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa” phải tận dụng nguồn nhân lực và tài nguyên tại chỗ, nghĩa là phải triển khai cho bộ đội phát huy sáng kiến, sáng chế, kinh nghiệm, sở trường trong việc ươm, chiết, nhân giống cây xanh. Thượng tá Nguyễn Trung Quảng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 Hải quân cho biết: “Các đảo nổi, đảo chìm có nhiều cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm ươm, chiết cây. Có người xuất thân từ gia đình có truyền thống làm cây cảnh, nên việc chiết cành, ươm giống không quá khó khăn. Chính phát huy năng lực tại chỗ của bộ đội vừa tạo ra nguồn cảm hứng và phong trào thi đua, vừa phát huy “sở trường” của bộ đội. Đến nay tất cả các đảo nổi, đảo chìm đều ươm, chiết, nhân giống được cây xanh”.

Những “nghệ nhân chiến sĩ” chiết cây giống.

Cũng theo Thượng tá Quảng, mục đích của chương trình “Xanh hóa Trường Sa” là trồng cây phủ xanh các đảo và củng cố vườn tăng gia, bảo đảm rau xanh cho bộ đội. Từ năm 2022 đến nay, Vùng 4 Hải quân đã vận động các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hơn 200.000 cây xanh các loại kèm theo đất màu, phân hữu cơ và các vật liệu che chắn để trồng cây xanh.

Việc ươm, chiết, nhân giống cây xanh ở Trường Sa khó khăn gấp nhiều lần so với đất liền bởi khí hậu khắc nghiệt. Vậy nhưng dưới bàn tay khéo léo, chịu khó của các cán bộ, chiến sĩ, hàng loạt cành cây bàng quả vuông được chiết thành công, nhiều thân cành cây cắt thành khúc mọc mầm xanh, hàng ngàn hạt bàng quả vuông giống, dừa nước nảy mầm đội đất chui lên. Cũng từ đây, cái tên “nghệ nhân chiến sĩ” ra đời như một sự ghi nhận thành quả lao động và cổ vũ phong trào trồng cây xanh ở đảo của cán bộ, chiến sĩ.

“Nghệ nhân chiến sĩ” Nguyễn Thành Trung ở đảo Đá Tây A vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề cây cảnh bonsai ở Nam Định. Từ nhỏ anh cũng đam mê chăm sóc cây cảnh nên rất có kinh nghiệm trong việc ươm chiết, nhân giống cây xanh. Trung chia sẻ: “Chiết cành nhân giống bắt đầu vào cuối năm. Tận dụng mùn đất đem ra từ đất liền, chúng tôi “buộc” cành chiết vào những thân cây. Từ lúc buộc vào thân cây đến lúc nảy mầm từ 3 - 4 tháng. Khi lá mọc dài khoảng 10 cm thì đem cưa từng khúc và mang ươm ở những vị trí mát, có độ ẩm. Đối với hạt bàng quả vuông phải được ủ ươm mầm trong đất mùn, độ ẩm cao và che nắng gió. Hàng ngàn hạt bàng quả vuông đã được chúng tôi ươm mầm xanh tươi tốt. Mỗi lần có đoàn khách từ đất liền ra thăm, chúng tôi đều gửi cây bàng quả vuông giống về đất liền để làm quà tặng”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Chí Toàn, Phó Cụm trưởng Cụm 1 đảo Trường Sa Đông, chăm sóc cây ở đảo tỉ mỉ và tốn công hơn nhiều so với trong đất liền. Cây cối ở đảo được cán bộ, chiến sĩ chăm bẵm và xem như những người bạn. Thời tiết dù có nắng nóng, khô hạn, cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn tiết kiệm, dành một lượng nước để tưới cây. Sau những giờ huấn luyện, việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh giúp người lính thư giãn và cảm giác gần gũi với cuộc sống quê nhà, thêm gắn bó với biển đảo hơn.

Những cây xanh được trồng quanh đảo.

Tại đảo Trường Sa Đông, chỉ huy đảo đã tổ chức quy hoạch khu vực đất trồng cây phù hợp với khuôn viên của đơn vị. Vào mùa mưa, tranh thủ đất mềm, đơn vị tổ chức đào hố sẵn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ, lá cây khô, rồi ủ phân xanh và phủ độn. Khi thời tiết phù hợp, đơn vị sẽ tổ chức trồng cây. Mỗi cây trồng mới, các cán bộ, chiến sĩ đều có biện pháp che chắn gió, không để hơi muối mặn táp vào làm cây chết. Các đơn vị đều quản lý rất chặt chẽ, phân công chăm sóc theo từng loại cây và giao nhiệm vụ cho tổ chức đoàn, đoàn viên phụ trách các khu vực cây cụ thể. Hằng năm, các đảo đều tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”. Kết quả trồng, chăm sóc cây xanh cũng trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng. Bên cạnh đó, đảo cũng phát động nhiều phong trào để nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ môi trường sống, qua đó giúp bộ đội thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị hơn.

Đảo Sơn Ca có hệ thống nước ngọt và đất mùn nhiều nhất, bởi thế việc ươm mầm, chiết cây xanh ở đây dễ dàng hơn so cái đảo khác. Những “nghệ nhân” đảo Sơn Ca đã ươm hàng nghìn cây giống chuyển đến các đảo chìm khác như Cô Lin, Len Đao, Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C. Như ở đảo Cô Lin, do việc ươm mầm cây vô cùng khó khăn nên cán bộ, chiến sĩ đã lấy cây giống từ các đảo nổi như Sơn Ca, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông và trồng quanh triền đảo.

Dưới bàn tay khéo léo của cán bộ, chiến sĩ, hàng nghìn hạt bàng quả vuông nảy mầm trong nắng gió Trường Sa.

Trường Sa – mảnh đất thiêng tiền tiêu Tổ quốc bây giờ không còn trơ trọi sỏi đá và khô cằn mà thay vào đó là màu xanh bạt ngàn của cỏ cây hoa lá. Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” mà các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa đang thực hiện khẳng định rằng ở nơi khó khăn gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vẫn chủ động làm chủ cuộc sống, tạo ra không gian xanh sạch. Đó vừa là biện pháp, vừa là mục tiêu xây dựng Trường Sa “mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, tốt về nếp sống văn hóa, thắm tình quân dân như cá với nước”.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc