Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số:
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc
Kể từ khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), nhiều nội dung đầu tư, hỗ trợ được tập trung triển khai đến tận thôn, buôn và các gia đình.
Do đó, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã vùng dân tộc thiểu số (DTTS) càng chú trọng việc học tiếng nói, chữ viết của đồng bào để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tuyên truyền các chủ trương, chính sách cũng như kịp thời hỗ trợ khi bà con gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Viết Trương, Bí thư Đoàn xã Yang Reh (huyện Krông Bông) là một trong 54 học viên tham gia lớp đào tạo tiếng Êđê cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã vùng DTTS do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức. Anh Trương cho biết, đặc thù tại xã có 3 buôn đồng bào Êđê, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên Đoàn xã luôn chú trọng thực hiện các công trình, phần việc thanh niên tại buôn, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, vui chơi cho thiếu nhi. Tại các buôn, bà con vẫn quen dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp, nhiều người chưa sử dụng được tiếng phổ thông, nhất là người già và trẻ em. Khi giao tiếp với bà con, anh thường phải nhờ các “thông dịch viên” là đoàn viên tại buôn hỗ trợ và cũng tranh thủ “học lỏm” những câu, từ đơn giản của tiếng Êđê.
Học viên lớp đào tạo tiếng Êđê của huyện Krông Bông đi thực tế tại nhà Anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê (buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui). Ảnh: Viết Trương |
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã chính là những cầu nối quan trọng đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân vùng đồng bào DTTS. Thông qua việc đào tạo tiếng DTTS sẽ giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy hiệu quả công tác dân vận, góp phần thắt chặt gắn kết giữa cơ quan Đảng, chính quyền ở cơ sở với người dân vùng đồng bào DTTS, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc” -Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Kính. |
Kể từ khi thực hiện Chương trình 1719, Đoàn xã Yang Reh được giao phụ trách buôn Choah với những trọng trách như: tăng cường tuyên truyền, động viên bà con hiểu rõ các chủ trương, chính sách đầu tư cho buôn, vận động bà con chăm sóc tốt con giống được Nhà nước hỗ trợ, thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm trong nhiều mặt của đời sống… Việc giao tiếp, trò chuyện với bà con bằng chính tiếng nói của bà con càng đặt yêu cầu cao hơn đối với người cán bộ cơ sở như anh Trương.
Chính vì thế, khi được cử tham gia lớp đào tạo tiếng Êđê, anh đã chủ động sắp xếp công việc, tham gia đầy đủ các buổi học theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; luyện nói, luyện viết theo các chủ đề bài học và đi thực tế tại buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui). Nhờ đó, anh đã mở rộng vốn từ, tăng rõ rệt kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Êđê mỗi khi vào buôn gặp gỡ bà con.
Nếu như đối với các học viên người Kinh hay các DTTS khác, việc học tiếng Êđê là tiếp cận với một ngôn ngữ mới thì đối với các học viên là người Êđê, đây cũng là một cơ hội để nắm bắt tường tận hơn về tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Anh Y Samuel Byă, Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) bộc bạch, anh sinh ra và lớn lên ở buôn Ghamah, xã Ea Yông. Dù sử dụng tiếng mẹ đẻ hằng ngày nhưng đa số người dân trong buôn đều không biết viết bằng tiếng Êđê. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác hộ tịch, tư pháp khi viết lại tên, họ của bà con vào các văn bản, giấy tờ theo quy định pháp luật. Nhiều trường hợp đã xảy ra sai sót, không trùng khớp giữa các loại giấy tờ khiến phát sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính. Chính vì thế, việc được học cả tiếng nói và chữ viết một cách bài bản đã giúp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình tại vùng đồng bào DTTS.
Học viên lớp đào tạo tiếng Êđê của huyện Krông Pắc nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học. |
Đào tạo tiếng DTTS là một trong những nội dung của Tiểu dự án 2, Dự án 5 thuộc Chương trình 1719. Thực hiện nội dung này, trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mở 4 lớp đào tạo tiếng Êđê cho cán bộ, công chức, viên chức tại các xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện Krông Bông, Krông Pắc, Cư M'gar và thị xã Buôn Hồ. Trong 15 tuần, các học viên đã được học về phát âm, từ vựng, ngữ pháp cơ bản của tiếng Êđê; rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đối thoại thường nhật. Ngoài ra, nội dung các bài học còn gắn liền với văn hóa, đời sống, phong tục, tập quán, giúp học viên hiểu biết hơn về những giá trị truyền thống quý báu gắn liền với tiếng nói và chữ viết của người Êđê trên vùng đất Tây Nguyên.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc