Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”:
Giúp học sinh tự tin trong giao tiếp
Huyện Krông Búk có 5 xã, thị trấn thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Búk cho biết, triển khai thực hiện Dự án 8, từ cuối năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các trường học thành lập hai câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Cư Pơng) và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin) nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh vừa là nơi chia sẻ thông tin, giúp học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, từ đó lan tỏa những thông tin, thông điệp tích cực tới cộng đồng.
Thầy Hoàng Anh Tuấn, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Gia Tự hướng dẫn học sinh kỹ năng đi xe đạp điện an toàn khi tham gia giao thông. |
CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Cư Pơng) có 30 thành viên là học sinh khối lớp 6 - khối lớp 9 tham gia, tổ chức sinh hoạt lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp với nhiều nội dung về bình đẳng giới, an toàn giao thông, bạo lực học đường, phòng, chống đuối nước, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ. Vào CLB, các thành viên được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, ở đó các em tự tin thể hiện năng lực cá nhân, nói lên tiếng nói của mình về vấn đề xã hội, phương pháp học tập, quyền trẻ em, hoạt động nhóm, giúp các em hoàn thiện bản thân, trở thành hạt nhân tiên phong trong tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu, như: nghỉ học sớm, tảo hôn, sinh nhiều con.
Em Phạm Phương Thảo, lớp 9A2, Chủ nhiệm CLB trò chuyện: "Trước đây, em cũng như nhiều bạn khá nhút nhát, không dám chia sẻ suy nghĩ của mình về việc học tập, chuyện gia đình, điều thầm kín của lứa tuổi dậy thì, hay muốn tham gia văn nghệ, thể dục thể thao cũng ngại không dám thử sức. Nhưng từ khi tham gia CLB, được thầy cô giáo, bạn bè động viên, hướng dẫn em thấy tự tin hơn khi đứng trước đám đông, đã dám bày tỏ ý kiến của mình".
Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin) tham gia sinh hoạt chủ đề "Tác hại của thuốc lá điện tử". |
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin), em Lê Thị Thu Huyền, học lớp 9A là một trong 20 thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho hay: Vào CLB em được tham gia các buổi sinh hoạt với nội dung thiết thực, bổ ích như: làm thế nào để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trẻ em; kỹ năng xử lý khi bị dụ dỗ đi lao động xa nhà; những cảnh báo, kỹ năng giúp trẻ thoát nguy cơ bị xâm hại, buôn bán, bắt cóc, tảo hôn... Tại các buổi sinh hoạt chuyên đề này, em tự tin, chủ động tham gia ý kiến, chia sẻ suy nghĩ của mình với thầy cô, bạn bè.
Qua hoạt động của hai CLB, Hội LHPN huyện mong muốn gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
"Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với ban giám hiệu các trường học thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn dành riêng cho thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với nhiều nội dung phong phú, đa dạng để giúp các em thực sự thay đổi trở thành những "thủ lĩnh" như tên gọi của CLB. Về phía các CLB cũng phải đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi của các em để thu hút nhiều học sinh tham gia", bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Búk khẳng định.
Kim Huế
Ý kiến bạn đọc