Giải thưởng với những người làm báo
Những năm gần đây, phóng viên Báo Đắk Lắk liên tiếp đạt nhiều giải báo chí cấp tỉnh, khu vực và quốc gia. Trái ngọt này là thành quả của chuỗi ngày không ngừng nỗ lực làm việc, sáng tạo và cống hiến của những người làm báo…
Để có được tác phẩm chất lượng cao, có cơ hội tham dự các giải báo chí, đòi hỏi sự đầu tư công phu, nghiêm túc. Trong đó, việc xác định đề tài có giá trị là yêu cầu tiên quyết. Gọi đề tài có giá trị là bởi ở mỗi thể tài, mỗi giải báo chí đều có những yêu cầu chủ đề, nội dung thể hiện tác phẩm khác nhau. Tất nhiên, tham gia bất cứ giải báo chí nào, ở thể tài nào, người làm báo cũng cần nhạy bén, mềm dẻo, linh hoạt trong cách thể hiện để thông tin không bị xơ cứng, thiếu hấp dẫn, thiếu tính chiến đấu.
Đam mê, dấn thân với nghề đi và viết, nhà báo Nguyễn Xuân thường xuyên tham dự và đoạt nhiều giải cao tại các giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh, Giải Báo chí tỉnh, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Chị "bật mí", việc nắm bắt thông tin từ các cuộc họp giúp chị tích lũy, phát hiện nhiều đề tài hấp dẫn, được dư luận quan tâm. Khi đã xác định xong đề tài, tác giả bắt tay xây dựng đề cương chi tiết, lên kế hoạch lựa chọn những điểm đến phù hợp thể tài trước khi xuống cơ sở. Thực tế, từ đề cương thành bài viết, có khi cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để thu thập đủ thông tin, tư liệu, hoàn chỉnh bài viết. Chị luôn cố gắng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện, chuyển tải nội dung, vấn đề một cách sinh động, gần gũi với cuộc sống và bạn đọc.
Bám sát lĩnh vực nông, lâm nghiệp được phân công, nhà báo Minh Thuận thường xuyên có nhiều tác phẩm chất lượng cao để tham dự Giải Báo chí khu vực Tây Nguyên, Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh, Giải Báo chí tỉnh. Chị cho biết, bản thân luôn chọn các vấn đề thời sự, vấn đề được xã hội quan tâm nhằm kịp thời thông tin chính xác, chuyên sâu, như về Luật Đất đai; quy định của Liên minh châu Âu về sản xuất cà phê không gây mất rừng; tình hình tăng trưởng nóng trong sản xuất và tiêu thụ sầu riêng; chỉ số PCI của tỉnh; các chính sách của Đảng về quản lý và bảo vệ rừng Tây Nguyên; thị trường tín chỉ carbon; cách làm hay của những cán bộ dám nghĩ, dám làm… để thực hiện các bài viết chuyên đề và ấp ủ, lựa chọn đề tài tham dự các giải báo chí.
Phóng viên Báo Đắk Lắk trong một lần tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Thuận Vũ |
Theo nhà báo Minh Thuận, để có những cách thể hiện hay, mới lạ, điều quan trọng nhất là phải bám sát tình hình thực tế địa phương. Việc lăn xả tác nghiệp, thường xuyên xuống địa bàn, có mặt ở những nơi xa ngái, heo hút của tỉnh sẽ khơi mở nhiều vấn đề hay, tạo thêm cảm hứng tác nghiệp cho chính người viết.
Thành công với nhiều giải thưởng cấp tỉnh và trung ương, nhà báo Đỗ Lan cho hay, sau khi lựa chọn đề tài, việc đi – thấy – cảm nhận – và viết là điều không thể thiếu của người làm báo. Khi “bắt tay” vào xây dựng tác phẩm báo chí, điều đầu tiên phóng viên nghĩ đến là niềm tin của bạn đọc - giải thưởng quý giá nhất của mỗi người làm báo. Sự khách quan và trung thực, tận tâm và trách nhiệm chính là nền tảng để tạo niềm tin, sự tương tác lâu bền giữa người viết với cơ sở.
Trên miền đất bazan, sự trù phú của thiên nhiên, sự đa dạng trong văn hóa tộc người, cùng với đó là nỗ lực bảo vệ, dựng xây quê hương tươi đẹp, ấm tình người… đã trở thành những đề tài nổi bật, có tính đặc trưng vùng miền để người viết chuyển tải đến bạn đọc. Cái tâm của người viết được thể hiện bằng việc phản ánh trung thực, khách quan, bằng chuyển tải những cảm nhận dung dị, dễ hiểu, gần gũi...
Với những người làm báo, việc thử sức trong thực hiện loạt bài dài kỳ, hay tham dự các cuộc thi cũng là cách để họ đúc rút thêm kinh nghiệm, tiếp tục trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, mới lạ, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc