Multimedia Đọc Báo in

Nghề báo nặng ân tình

09:18, 26/06/2020

Đến với báo chí và cả sau này làm văn nghệ, với tôi coi như một cơ duyên.

Tôi tập viết những bài ngắn, tin ngắn từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho Báo Hà Tây (sau này mới nhập vào Hà Nội). Năm 1972, tôi được điều động vào Đắk Lắk và vẫn tiếp tục tập viết bài gửi nội tỉnh và Đài Phát thanh Giải phóng; có bài được in ở Báo Người giáo viên nhân dân ở Hà Nội (nay là Báo Giáo dục và Thời đại).

Tôi chính thức viết nhiều và trưởng thành từ năm 1976 khi có Báo Đắk Lắk. Với tôi, Báo Đắk Lắk ân trọng, nghĩa bền. Tôi thử sức ở nhiều thể loại và được báo ưu ái đăng khá nhiều. Từ câu đối Tết đến thơ, từ bút ký đến tùy bút, từ truyện ngắn đến phê bình tiểu luận, từ tin ngắn đến bài dài, tôi không chuyên về thể loại nào, đề tài nào mình biết thì mới viết.

Nhà thơ, nhà báo Hữu Chỉnh phát biểu tại Hội nghị gặp mặt cộng tác viên do Báo Đắk Lắk tổ chức.                                                                                                                                                                                          Ảnh: Hoàng Gia
Nhà thơ, nhà báo Hữu Chỉnh phát biểu tại Hội nghị gặp mặt cộng tác viên do Báo Đắk Lắk tổ chức. Ảnh: Hoàng Gia

Năm 1990 mới có Hội Văn nghệ Đắk Lắk, cần hợp thức hóa cho chức danh Tổng Biên tập, anh Nguyễn Lưu bàn với tôi: "Anh phải liệt kê cả những bài đã in ở Báo Đắk Lắk cho nhiều". Thế là nhờ Báo Đắk Lắk đã in các bài, coi như "lá phiếu" quan trọng đưa tôi đảm trách Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ của tỉnh.

Nghề báo đeo đuổi đến bây giờ. Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn tham gia biên tập cho bản tin của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk và bản tin của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Đắk Lắk. Ngoài việc được nhận Kỷ niệm chương và Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam, tôi còn nhận Bằng khen của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài về công việc làm báo.

Tôi muốn nhắc lại thời làm báo ở rừng gian khổ mà những người anh, người bạn tôi đã nếm trải. Anh Ngô Minh Kha sau năm 1975 là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin chưa quên ngày đi Cư M’gar xin tấm bia mộ gùi về Krông Bông, mài nhẵn lưng bia để viết chữ ngược, in li-tô trên đá làm tài liệu, báo chí tuyên truyền. Anh Nguyễn Hữu Trí là Thiếu tá binh địch vận, sau giải phóng là Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, biết tiếng Pháp nên được cử vào HC38 (nơi giam giữ và trao trả tù, hàng binh) để khai thác tài liệu. Anh Nguyễn Trúc sau năm 1975 làm Phó Trưởng Ty Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm; trước đó, năm 1973 được Ban Tuyên huấn cấp giấy phép vào HC38 thu thập tài liệu. Người duy nhất được cử đi Tây Ninh dự lớp bồi dưỡng làm báo là Ama Pheng (Ama Bhiăng) thường cùng với các anh Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), Ama Thương dịch tiếng Êđê ra tiếng phổ thông và ngược lại. Để có một tờ báo là công lao của bao người phải gùi cõng giấy, mực in; những người giao liên chuyển công văn, báo chí, thư từ vượt qua lửa đạn.

Năm 1996, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-1996), Bảo tàng Quân khu V tại Đà Nẵng được khánh thành và tổ chức dâng hương trước Tượng đài ghi danh các anh hùng, liệt sỹ làm văn nghệ - báo chí khu V. Tượng đài là đá đỏ từ Tây Sơn (Bình Định) nặng 30 tấn, hình ngọn lửa, trong đó có liệt sỹ, nhà báo Hoàng Thi, quê Phú Yên, hy sinh tại Đắk Lắk. Tôi cùng cả đoàn đi dâng hương hoa trước tượng đài.

Tôi may mắn còn tồn tại để viết được câu nào, dòng nào cũng là trả nợ ân tình.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lại tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người làm báo: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?.

Tháng 6-2020

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.