Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đến đâu?
Sự cố hàng ngàn tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại phân phối ra thị trường qua các kênh bán hàng chính thức, đáng tin đang làm dấy lên làn sóng lo sợ.
Vấn đề được đặt ra là nếu không sớm có những thông tin đích xác, thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý chức năng, của các đơn vị giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nông nghiệp địa phương, dư luận sẽ rất dễ đi đến quy chụp, nghi ngờ cả hệ thống canh tác nông nghiệp địa phương, dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Một trong số các cơ sở sản xuất giá đỗ tẩm hóa chất. (Ảnh công an cung cấp) |
Lâu nay, trên thị trường vẫn lưu truyền những tin đồn về phương pháp canh tác, bảo quản nông sản Tây Nguyên (sầu riêng ngâm tẩm hóa chất bảo quản, cà phê trộn tạp chất...). Tuy nhiên, thực tế đó là những tin đồn thất thiệt hay chính xác không mấy ai có trách nhiệm làm rõ cả.
Vậy nên khi thông tin giá đỗ nguy hại lan tỏa, câu hỏi trách nhiệm lại một lần nữa phải đặt ra và thật sự đáng phải được giải đáp. Dư luận khó chấp nhận được lập luận “hứa và cam kết” của một vài doanh nghiệp kinh doanh phân phối rằng sẽ chú ý, rằng luôn coi trọng vấn đề an toàn. Bởi vì sự thật đã cho thấy khâu giám sát, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp là có vấn đề, là lỗ hổng rất lớn.
Nhiều người thẳng thắn nhận xét, lỗi của những kẻ hám lợi, bất nhẫn sản xuất thực phẩm “bẩn” chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị. Song những người “gác cổng” có trách nhiệm kiểm soát tình hình ấy sẽ nên xử lý, điều tra như thế nào? Có đến hàng nghìn tấn giá đỗ phân phối mỗi tháng thì hằng ngày có bao nhiêu chuyến xe tải ngược xuôi. Tất cả không hề vô hình. Tất cả chỉ có thể là vô cảm, về trách nhiệm quản lý, về trách nhiệm xã hội, điều mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt và phải làm tốt.
Rõ ràng từ vụ giá đỗ, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở và lập nghiêm cho hệ thống hành chính, quản lý xã hội, quản lý kinh tế của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Cần quyết liệt đặt rõ vấn đề, xử lý nghiêm những kẻ ác tâm bất nhân, song hành với yêu cầu chỉnh đốn nghiêm thực trạng quản lý giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm và nông nghiệp địa phương?
Không ai có quyền thờ ơ trước sự an nguy tính mạng, an toàn sức khỏe của cả cộng đồng xã hội. Nên yêu cầu lập nghiêm, làm rõ những khúc mắc, bất cẩn, sơ suất lâu nay trong khâu quản lý sản xuất, giám sát lưu hành phải được thực thi ngay và luôn.
Nếu không trả lời rõ câu hỏi vì sao lại có tình trạng đó, chúng ta sẽ phải chịu nhận lại những hậu quả vô cùng lớn!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc