Chủ động phòng bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa
Hiện tại, thời tiết mùa Đông Xuân với đặc điểm gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong thời gian qua. Tính đến ngày 10/2/2025, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 55 trường hợp dương tính sởi. Đồng thời, số trường hợp cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp vẫn tiếp tục gia tăng.
![]() |
Bệnh nhi điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, cúm mùa là bệnh thường gặp ở những người có thể trạng yếu và chủ quan với sức khỏe của mình. Bệnh dễ lây lan thành dịch mỗi khi giao mùa, thời tiết chuyển lạnh hoặc chuyển nóng thất thường như hiện nay. Chính vì vậy, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, nhất là sẽ tạo miễn dịch chéo, tránh dịch chồng dịch.
Tại Đắk Lắk, những ngày qua người dân đã nâng cao ý thức, chủ động tiêm vắc xin phòng cúm để bảo vệ sức khỏe. Chị Đỗ Thị Hoa (33 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, gia đình chị có 6 thành viên gồm ba người lớn và ba trẻ nhỏ. Nhiều năm qua, gia đình chị đều chủ động tiêm các vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiêm phòng bệnh cúm định kỳ. “Năm nay thời tiết lạnh hơn và kéo dài so với mọi năm, đặc biệt là trước thông tin số ca mắc cúm tăng cao ở nhiều địa phương khiến điểm tiêm chủng mà gia đình tôi đăng ký tiêm có phần quá tải. Năm nào các thành viên trong gia đình tôi cũng được tiêm vắc xin đầy đủ, không chỉ trẻ nhỏ mới cần tiêm phòng mà người lớn có bệnh nền cũng cần được tiêm chủng để bảo đảm sức khỏe”, chị Hoa chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Trần Kim Long, ngoài tiêm đầy đủ các loại vắc xin, người dân cần phòng bệnh bằng cách rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hằng ngày, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc đông người, nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục. Giữ ấm cơ thể, khi thời tiết trở lạnh cần mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài. Mặc thêm áo ấm, mũ len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh về đường hô hấp, tuyệt đối không nên tự mua thuốc điều trị ở nhà mà cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và xác định các bệnh căn bệnh kèm theo (nếu có) nhằm có hướng điều trị thích hợp. Điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ nhanh chóng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.
![]() |
Học sinh tại TP. Buôn Ma Thuột chủ động đeo khẩu trang và sát khuẩn tay để tránh các bệnh về hô hấp. |
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Hải Phúc cho biết, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, không để dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình. Tiếp tục rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi; duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho trẻ. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát; phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất, triển khai các biện pháp phù hợp, bảo đảm kịp thời ứng phó với dịch bệnh.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc