Mạch chợ - mạch đời
Chợ là nơi vui nhất, phồn thực nhất và cũng đời nhất…
Phồn thực chợ
Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn thấy nơi vui nhất, phồn thực nhất là chợ. Đã lang thang nhiều chợ nhưng đến giờ tôi vẫn còn nhớ mùi cái chợ miền biển cạnh trường thời tuổi thơ.
Chợ không cổng, có đến bốn ngã lớn và vô số ngã nhỏ để vào. Ngày thường, chợ họp vào buổi chiều mỗi ngày; chủ yếu bán thực phẩm cho cư dân quanh đó. Riêng chợ phiên họp định kỳ 5 ngày một lần, rộn rã sầm uất từ sáng đến chiều. Hàng hóa thì đúng là phong phú. Chợ phiên giáp Tết thì khỏi nói. Rậm rực âm thanh, hơi thở, sắc màu. Có người nói, đi chợ mà chen lấn là kém văn minh nhưng hóa ra đó lại là niềm vui, sung sướng bất tận. Tan buổi học sáng là tôi lủi thẳng vào chợ phiên. Khúc nào càng đông càng háo hức.
Xộc thẳng vào tâm trí tôi là mùi. Nồng nàn nức nở chảo chuối chiên vàng tươm. Xiên thịt lụi nâu bóng xèo mỡ trên lò than đỏ. Gánh chè tấp nập người đứng ăn, thoảng hương dầu chuối cô hàng khéo rắc nhẹ vào miệng ly. Chỉ cần thoáng nghe mùi đậu xanh sống là tôi biết là đến địa phận những hàng rau, củ trải dài, từng thúng giá đỗ trắng nõn, từng đụn rực rỡ các loại rau thơm, muống, cải, mồng tơi, bí, bầu, mướp, khổ qua, đu đủ, cà chua, súp lơ, bông bí, súng, sen, thiên lý… Chuyển sang mùi gỗ và vecni là tôi biết đã vào địa phận bán giường, tủ, bàn, ghế, đồ gỗ gia dụng. Kề đó là những tấm bạt nối dài ùn ụn của mấy sạp hàng xén. Nào ly chén, tô dĩa, muỗng đũa, xoong chảo, rổ rá, lồng bàn, dép guốc xanh đỏ tím vàng. Rồi hàng áo quần, vải vóc lụa là tươi rói, thơm phức. Mấy chị hàng xén trẻ điểm chút phấn son thơm như hoa nở.
Thế nhưng nghĩ lại, cái mùi chủ lực ở chợ này vẫn phát xuất từ hàng cá, tôm, cua, mực, chình, ốc, hến. Khu đồ biển nằm ở cuối chợ nhưng nếu để ý, khi bước vào bất cứ ngõ chợ nào cũng đã nghe chút tanh tanh đồ biển sống. Kề khu hàng thịt heo, bò, trâu, nai, dê. Càng đến gần càng nồng, càng nặng mùi của từng xe, từng thúng, từng rổ cá đủ kích cỡ từ nhám, cờ, thu, hố đến ồ, ngừ, nục, liệt, đến cơm trổng, cơm than, cơm săn, cơm ngần. Nhấp nháy dãy sàn mực ống, mực nang, mực lá, bạch tuộc, tôm càng, tôm he, tôm hùm. Lấp lóa từng đùm cua xanh, hàu nguyên vỏ, hàu thịt, sò huyết, tôm đất tươi ròng vừa cập lên từ đầm nước lợ.
Có khó chịu chút khi ngang các vũng lầy do nước rửa cá cua. Thế nhưng đây là hàng đông chị em nhất. Chen lấn, gánh gồng, bưng bê huỳnh huỵch. Cười nói rổn rảng. Con gái biển, phụ nữ biển luôn thoải mái tràn trề từ vóc dáng đến lời ăn tiếng nói. Mới qua mười tuổi nhưng tôi đã mơ hồ nhận ra trong không gian đậm mùi biển giã vẫn mồn một mùi da, mùi tóc con gái. Thế nên với tôi, khu chợ đồ biển không còn chút gì mùi tanh…
Minh họa: Đức Văn |
Vi vu chợ
Chợ vui như thế. Ấy vậy mà có một loại chợ lại hết sức “cô đơn, lầm lũi”. Bởi phía bán thường chỉ một hoặc hai người, đêm ngày lùi lũi trên chiếc xe máy cà tàng, có khi chạy cả trăm cây số mới gặp người mua. Ấy là những ngôi chợ “di động”, hay còn được gọi là chợ chạy, công ty hai sọt (vì xe máy thường gắn theo hai giỏ sọt lớn). Người ở miệt biển, đồng bằng hay làm nghề này. Chuyến lên núi chủ yếu là đồ biển, hàng công nghiệp; chuyến trở xuống là lâm thổ sản. Gập ghềnh nắng mưa mua bán đủ mặt hàng giữa hai miền ngược xuôi. Kiếm miếng cơm nuôi con bằng nghề chợ chạy chẳng dễ dàng. Họ lại thấy cái nghề này là vi vu, tự do, tự tại.
Tôi có ông chú áp sáu mươi, một vợ, bốn con ở Phú Yên. Ông đã hơn ba mươi năm làm chợ chạy. Công chuyện đều đặn của ông là: Dậy từ 3 giờ sáng, xuống chợ đầu mối lấy hàng chở ngược lên miền núi bán dạo, rồi mua hàng xuống miệt xuôi bán lại. Chuyến lên của ông thường là cá mực tôm, cả tươi lẫn khô; các loại gia vị, mắm; vài thứ rau, đồ tạp hóa… nói chung là “hầm bà lằng, không thể nhớ kể hết cùng lúc”. Ông chở lên núi đủ thứ hàng hóa theo nhu cầu và đặt hàng của bà con “ở trển”. Giao tận tay người mua. Dù mưa. Dù nắng.
Gom hàng xong, gặm ổ bánh mì là ào ào “ngựa phi” bởi nếu chậm trễ thì cá ươn, mất uy tín. Một số bà con miền núi cũng đã quen mua đồ trước giờ đi làm, đi rẫy. Địa bàn thị trường ban đầu là mấy xã vùng cao huyện Sông Hinh - tỉnh Phú Yên, giáp ranh Đắk Lắk. Chạy đi chạy về mỗi chuyến trên trăm cây số. Chạy dọc đường đã có người ới chặn lại mua. Rồi rẽ vô mấy xóm nhà, đường núi rất khó đi. Hàng còn thì tạt qua một chợ trong vùng, đứng bán tiếp. Giá cả mềm thuận, chủ yếu lấy công làm lời.
Hồi mới vào nghề chợ chạy, có chuyến về, ông không cần mua gì mà sọt cũng đầy hàng. Ấy là nhiều nhà không sẵn tiền nhưng có thể đổi mắm, cá bằng gà, gạo rẫy, đường, thịt khô, khoai, chuối, bơ, mít, mật ong, cây thuốc rừng…, có khi cả con heo trên chục ký. Chở về dọc đường mà vấp ổ gà là “éc éc” dậy trời. Có hồi, mấy ông dưới quê dặn mua chóe rượu cần, ông cung ứng luôn. Có món hàng, ông cũng chưa biết đem xuống bán cho ai. Phải tìm cách hỏi đầu ra, xong mới đổi. Giờ thì chuyện “hàng đổi hàng” của bà con miền núi cũng bớt rồi. Chuyến xuống, cần hàng gì thì ông phải trực tiếp đi mua. Cứ thế, nghề bày nghề, nhọc nhằn rồi cũng bình thường, ông quen dần các cung đường miền núi ở Phú Yên. Rồi “đánh lấn” sang Đắk Lắk, Gia Lai. Thông thuộc đến tận nhiều buôn làng xa xôi.
Thời gian dịch COVID-19, ông đành phải bó gối ngồi nhà. Sau “bình thường mới”, ông chạy núi trở lại. Một tuần hai chuyến. Không dày như trước được nữa; nhiều vùng vẫn ngại người từ địa phương khác. Kỳ này, có mấy anh em trẻ sắm luôn cả ô tô để làm chợ chạy, ông bị cạnh ranh ráo riết. Chợ chạy xe máy muốn sống được phải đi cao hơn, xa hơn…|
Đào Đức Tuấn
Ý kiến bạn đọc