Người xứ Quảng trên cao nguyên
Gần 50 năm trước, những người con của mảnh đất Quảng Nam theo chương trình xây dựng kinh tế mới đến với Krông Ana.
Giữa vùng đất hoang sơ đầy nắng gió, cộng đồng người Quảng đã vượt lên những khó khăn, cùng nhân dân địa phương góp sức xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp.
Xã Quảng Điền ghi đậm dấu ấn người dân Điện Bàn (Quảng Nam) đến lập nghiệp sau ngày giải phóng. Ông Phạm Đức Hoàng (SN 1940), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Điền nhiệm kỳ 1980 - 1985 vẫn nhớ: Năm 1979, khi gia đình ông cùng khoảng 500 hộ dân từ quê hương Quảng Nam đến đây lập nghiệp chỉ thấy ngút ngàn rừng núi hoang vu, đi mãi không thấy bóng người. Ban đầu, mọi người ở trong những căn lán tạm bợ, chắp vá, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Do chưa quen khí hậu “rừng thiêng nước độc” nhiều người không chịu được những đợt sốt rét triền miên đã gói ghém quần áo trở lại quê nhà. Chỉ còn hơn một nửa số hộ dân bám trụ lại vùng đất đỏ bazan màu mỡ nhưng cũng lắm khắc nghiệt này.
“Không cam chịu đói nghèo, với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người Quảng, từ hai bàn tay trắng, chúng tôi đã dốc sức khai hoang trồng lúa, làm quen với nương rẫy, học cách trồng cà phê, hồ tiêu, quyết tâm không để đất hoang”, ông Hoàng tâm sự.
Ông Phạm Đức Hoàng (thứ ba từ trái sang) chia sẻ về những ngày bắt đầu cuộc mưu sinh trên vùng đất mới. |
Cuộc sống dần ổn định, đường sá thông thương thuận lợi, từ nhu cầu trao đổi, mua bán, người dân lấy địa điểm ngã tư nối liền xã Quảng Điền và Bình Hòa làm nơi họp chợ, hình thành chợ Điện Bàn - cái tên gắn liền với mảnh đất quê hương. Đây không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi lưu giữ ẩm thực xứ Quảng - nét đặc trưng văn hóa và cả lịch sử của vùng đất, con người Quảng Nam. Trải qua nhiều năm, mật độ giao thương ngày càng tăng, các mặt hàng cũng đa dạng hơn để phục vụ nhu cầu của người dân nhưng ở chợ Điện Bàn vẫn không thể thiếu những món ăn đặc trưng như mì Quảng, mắm cái, bánh tráng…
Chị Nguyễn Thị Nhung (thôn 3, xã Quảng Điền) - một người con xứ Quảng chia sẻ: “Dù ở vùng đất nào, chúng tôi vẫn giữ cách nấu nướng, cách ăn uống khá đơn giản, chân chất, không chuộng hình thức, không cầu kỳ, phô trương, cứ dân dã mà giữ được nét văn hóa đặc trưng vùng miền, để những người con xa quê luôn nhớ về nguồn cội”.
Qua nhiều năm, Quảng Điền ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, trình độ dân trí được nâng cao, cơ sở vật chất được cải thiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã, đồng thời tạo thuận lợi trong việc triển khai các chương trình phát triển cộng đồng.
Chị Đoàn Thị Lan (thôn 3, xã Quảng Điền) cho hay: “Là thế hệ thứ hai sinh sống, học tập và làm việc trên quê hương mới, tôi được chứng kiến và rất tự hào về sự đổi thay từng ngày của cuộc sống nơi đây. Người nông dân hôm nay rất nhanh nhạy nắm bắt kiến thức, sử dụng các giống mới có năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”.
Người dân Quảng Điền tham gia Lễ hội đua thuyền truyền thống hằng năm. |
Trong hành trình xây dựng và phát triển, ngoài việc chú trọng đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương cũng quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, những tuyến đường bê tông liên thôn, liên xóm, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... được xây dựng ngày một khang trang hơn.
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Điền chia sẻ: “Ở địa phương có trên 95% dân số là người Quảng Nam vô làm kinh tế mới, mang theo những nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Quảng như tên các địa danh, ẩm thực, lễ hội đua thuyền truyền thống… Trải qua gần nửa thế kỷ gắn bó, mỗi người dân cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu”. Đến thời điểm này, xã Quảng Điền đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, địa phương đã gửi hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc