Đổ xô làm giấy tờ đất
Không phải do "sốt" đất, nhưng những ngày gần đây, rất đông người dân đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của TP. Buôn Ma Thuột (bộ phận một cửa) để làm thủ tục giấy tờ về đất đai.
Mất lượt… làm giấy tờ
Mặc dù chưa đến giờ làm việc nhưng tại bộ phận một cửa TP. Buôn Ma Thuột đã có hàng trăm người chờ lấy số thứ tự. Khi có cán bộ đến nhận hồ sơ, người dân chen nhau đến nộp. Do lượng hồ sơ nhiều, 3 cán bộ tại bộ phận một cửa chia nhau tiếp nhận, đọc tên, phát số thứ tự. Cứ sau khoảng 15 phút nhận hồ sơ, cán bộ lại ôm một chồng sổ hồng đi vào trong. Đúng 7 giờ 30 phút, bộ phận một cửa TP. Buôn Ma Thuột mở cửa cho người dân vào trong làm thủ tục.
![]() |
Phía ngoài bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP. Buôn Ma Thuột người dân chen chúc xếp hàng để chờ làm thủ tục hành chính. |
Một người dân (xin giấu tên) cho biết, khoảng 6 giờ 30 phút sáng 19/3, ông đã có mặt tại bộ phận một cửa chờ bốc số thứ tự để làm thủ tục về đất đai. Tuy nhiên, nhiều người đến sớm hơn nên ông phải bốc số thứ tự làm vào buổi chiều. Ngày trước đó, ông cũng đến chờ nhưng thấy đông người quá, phải quay về.
Tương tự, ông Vũ Văn Thiết (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đến bộ phận một cửa làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù đã lường trước được tình huống quá tải và chủ động có mặt từ sáng sớm nhưng ông chỉ bốc được số thứ tự phía sau.
So với vài năm gần đây, thị trường bất động sản tại TP. Buôn Ma Thuột đang ấm dần lên. Tuy nhiên, hiện nay có một số tin đồn gây “sốt” đất ảo tại một số khu vực. Do đó, cơ quan chức khuyến cáo người dân cảnh giác với tình trạng “thổi” giá đất để tránh thiệt hại. |
Ngày 20/3, tình trạng tương tự vẫn tiếp tục. Đến khoảng 9 giờ sáng, bên trong bộ phận một cửa, các dãy ghế đã kín người ngồi chờ làm thủ tục đất đai. Nhiều người mới đến bị “mất lượt” thì được cán bộ bàn tiếp dân hướng dẫn hôm sau đến sớm để bốc số.
Ông Mai Xuân Chiến, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột cho biết, khoảng hai tuần nay, số lượng hồ sơ giao dịch về đất đai có tăng so với giai đoạn trước. Chi nhánh đã bố trí 8 quầy tiếp nhận và 3 quầy trả kết quả với 11 cán bộ, nhân viên để giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân. Với tinh thần “Làm hết việc chứ không hết giờ”, cán bộ thực hiện nhiệm vụ cố gắng giải quyết hết các hồ sơ của công dân đã bốc số thứ tự trong các ngày. Nhiều ngày, các cán bộ, nhân viên làm đến 19 giờ, thậm chí 20 giờ, bảo đảm không để hồ sơ của công dân bị tồn đọng.
Thay đổi địa giới hành chính, sổ đỏ vẫn có giá trị pháp lý
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột, từ đầu tuần này người dân đến làm thủ tục tăng khoảng 5 – 6%, nhưng không phải do "sốt" đất. Các thủ tục liên quan đất đai có tăng nhưng vẫn được giải quyết thông suốt, mỗi ngày xử lý 250 - 300 hồ sơ, trong đó 100 - 150 hồ sơ giao dịch chuyển quyền sử dụng đất. Nguyên nhân chính là lâu nay, nhiều người dân không có nhu cầu giao dịch, sang nhượng nên ít để ý đến giấy tờ đất; gần đây, có thông tin bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, phường, tỉnh nên người dân đi cấp đổi, hoàn chỉnh giấy tờ đất để yên tâm vì sợ sau khi sáp nhập sẽ lúng túng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế mới cập nhật, đồng bộ lại hệ thống nên nhiều người chưa thực hiện được nghĩa vụ về thuế đất.
Ông Mạnh cũng khẳng định thêm, riêng về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất vẫn bình thường, không có việc “sốt” đất. Hiện nay, các thủ tục liên quan đất đai có tăng nhưng vẫn được giải quyết thông suốt, chưa phải quá tải.
![]() |
Cán bộ hướng dẫn người dân trình tự các bước làm thủ tục về đất đai. |
Ngày 19/2/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Theo Điều 10 của nghị quyết này, văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền. Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Còn theo Điều 133 Luật Đất đai năm 2024 quy định một trong những trường hợp đăng ký biến động là có sự thay đổi về ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất. Việc đăng ký biến động này sẽ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên sổ đỏ đã cấp hoặc cấp mới, nếu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu. Cụ thể hơn, khoản 21, Điều 13 Thông tư số 10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, quy định thông tin về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất: trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thể hiện: "Đổi tên ... (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành ... (ghi tên mới của đơn vị hành chính)".
Như vậy, sổ đỏ đã cấp trước thời điểm thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính vẫn có giá trị sử dụng; việc đăng ký biến động hoặc thay đổi thông tin chỉ thực hiện khi người dân có nhu cầu.
Minh Thông - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc