Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa an sinh cho lao động mất việc làm
Mất việc làm, không có việc làm đang là áp lực lớn đối với nhiều người lao động. Để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “phao cứu sinh”.
Lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi bị mất việc không chỉ được hưởng trợ cấp bằng tiền mặt để trang trải cho cuộc sống mà còn được hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề...
Theo Luật Việc làm 2013, chính sách BHTN bao gồm 4 chế độ, gồm: NLĐ được hướng dẫn, tư vấn miễn phí về lao động, việc làm cũng như được dạy nghề miễn phí, hướng dẫn các thủ tục để hưởng lợi của BHTN bởi các trung tâm giới thiệu việc làm; được đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ để hưởng những trợ cấp thất nghiệp khi mất việc hay khi chấm dứt hợp đồng làm việc; được dùng thẻ bảo hiểm y tế do bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp mà không phải đóng phí trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ dạy nghề sơ cấp miễn phí với thời hạn không quá 6 tháng tại các cơ sở dạy nghề. Ngoài ra, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cũng được hỗ trợ khi không phải đóng 1% BHTN trong 12 tháng cho NLĐ.
![]() |
Lao động làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định; hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng. Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt quan hệ lao động, nếu có nhu cầu thì NLĐ có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại bất cứ Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở Nội vụ) của 63 tỉnh, thành phố.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, trong tháng 3/2025, toàn tỉnh có 1.127 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần gấp đôi so với tháng 2; lũy kế 3 tháng đầu năm 2025 là 2.145 người.
![]() |
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người tham gia. |
Sau khoảng 10 ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp vào tháng 3 vừa qua, anh T.Q. (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk thông báo hồ sơ đã được duyệt và hẹn cuối tháng 4 này đến ký nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền được nhận hơn 2,6 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng là 12 tháng. Anh Q. cho hay, bản thân làm việc trong các doanh nghiệp ngành xây dựng đã được gần 20 năm và được đóng BHXH bắt buộc đầy đủ. Đầu năm 2025, do công ty đang làm việc ngừng hoạt động nên anh đã nghỉ việc và làm thủ tục đề nghị hưởng BHTN. Số tiền được nhận hằng tháng tuy không lớn nhưng cũng bớt được một phần khó khăn trong khi chờ xin việc làm mới.
Theo BHXH tỉnh, năm 2024, đơn vị đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 11.642 người, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023; chi hỗ trợ học nghề là 883 người, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số tiền chi từ Quỹ BHTN trên 202 tỷ đồng.
Có thể nói, trong thời buổi kinh tế khó khăn, BHTN được xem là "phao cứu sinh" giải quyết không ít khó khăn cho NLĐ; đây là chế độ bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm. Thực tế, nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN mà rất nhiều NLĐ đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, mức đóng BHTN là 2% tiền lương tháng, bao gồm 1% NLĐ đóng và 1% người sử dụng lao động đóng. Thủ tục nhận trợ cấp BHTN rất đơn giản, NLĐ có thể nộp hồ sơ trực tuyến hoặc đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk hay 1 trong 2 Văn phòng đại diện của Trung tâm đặt tại huyện Ea Kar và thị xã Buôn Hồ. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc