Khi hậu phương là điểm tựa
Sau khi hợp nhất tỉnh, nhiều cán bộ, công chức, viên chức từ phía Đông rời xa gia đình lên phía Tây của tỉnh nhận nhiệm vụ tại trung tâm hành chính mới.
Hành trình xa nhà làm quen với nơi ở mới, nơi làm việc mới, khó tránh khỏi những khó khăn, vất vả ban đầu nhưng với sự đồng hành, hỗ trợ từ gia đình, các cán bộ, công chức, viên chức đã dần hòa nhập, yên tâm công tác.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, sau khi hợp nhất, gần 1.000 cán bộ, công chức, viên chức từ phía Đông của Đắk Lắk đến nhận nhiệm vụ tại các cơ quan của tỉnh. Các cán bộ, công chức, viên chức đã chủ động sắp xếp cuộc sống, sẵn sàng thích nghi và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Gia đình chị Nguyễn Nữ Đạt Minh Như (ở phường Tuy Hòa, công tác tại Sở Tài chính) mấy ngày nay trở nên tất bật. Từ đồ chơi của con trai nhỏ đến đồ dùng cho cả gia đình được gói ghém một cách cẩn thận. Đây là hành trang mà vợ chồng chị cùng hai con mang theo để vượt gần 200 km lên phường Buôn Ma Thuột sinh sống và làm việc. Hành trình mới không tránh khỏi khó khăn, vất vả ban đầu nhưng vợ chồng chị yên tâm hơn khi có ba mẹ hai bên ủng hộ và song hành.
Chị Như tâm sự: “Vợ chồng tôi có nhà riêng tại phường Tuy Hòa. Khi lên phường Buôn Ma Thuột công tác, chúng tôi thuê nhà nguyên căn để gia đình thuận tiện sinh hoạt. Vì hai con còn nhỏ nên chúng tôi đưa các cháu đi cùng. Thời gian đầu, bà ngoại theo lên để trông nom hai cháu; còn bà nội ở lại để dọn dẹp và giữ nhà. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình hai bên giúp chúng tôi rất yên tâm công tác”.
![]() |
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Như Hòa (phường Tuy Hòa) đảm nhận chăm sóc hai cháu ngoại khi cả con gái và con rể cùng lên trung tâm hành chính mới làm việc. |
Thay vì đưa con đi cùng, nhiều gia đình cán bộ, công chức, viên chức trẻ có con trong độ tuổi đến trường đành phải gửi lại cho ông bà chăm sóc. Nửa tháng qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Như Hòa (ở phường Tuy Hòa) thay các con chăm sóc hai cháu ngoại khi cả con gái và con rể cùng lên trung tâm hành chính mới của tỉnh làm việc.
"Cái gì mới cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhưng các con cứ yên tâm, có gia đình làm điểm tựa, các con cứ mạnh mẽ tiến lên, dốc sức cho công việc, vì sự phát triển của quê hương” - bà Nguyễn Thị Như Hòa. |
Thương các cháu xa cha mẹ, từng bữa ăn, giấc ngủ đến việc đưa đón các cháu đi học, vợ chồng bà Hòa cố gắng lo chu toàn. Bà Hòa tâm sự: “Chúng tôi hoan nghênh chủ trương hợp nhất tỉnh để tạo ra một không gian mới, động lực mới cho phát triển đất nước. Tôi luôn động viên các con rằng chúng ta phải thấy mình may mắn khi được góp sức vào thời khắc lịch sử này. Vì vậy, để các con toàn tâm toàn sức vào công việc trong thời gian đầu đến trung tâm hành chính mới, vợ chồng tôi nhận trách nhiệm trông nom, chăm sóc các cháu. Lớn tuổi ai cũng muốn thảnh thơi, an nhàn nhưng vợ chồng tôi vui vẻ và sẵn sàng chia sẻ khó khăn, vất vả với con cái, làm điểm tựa cho các cháu. Đây cũng là cách gián tiếp để chúng tôi chung tay góp sức vào công cuộc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, đưa quê hương, đất nước phát triển”.
Để vợ chồng con trai út yên tâm công tác trong thời gian đầu đến nơi ở mới, vợ chồng bà Đào Thị Xuân (ở phường Tuy Hòa) nhận trách nhiệm trông nom nhà cửa và chăm sóc cháu gái. Thậm chí, khi con dâu lên phía Tây của Đắk Lắk nhận nhiệm vụ, bà cùng vợ chồng người con trai đầu đưa đến tận nơi, trực tiếp xem xét nơi ăn chốn ở, sắm sửa thêm vài vật dụng trong nhà cho các con rồi mới yên tâm trở về. Bà Xuân bảo, thương các con công tác xa nhà nên ông bà cố gắng hỗ trợ chăm sóc các cháu để các con yên tâm công tác, phát huy năng lực.
Cùng quan điểm đó, vợ chồng ông Đỗ Ngọc Tân (ở phường Tuy Hòa) dù đã ngoài 70 tuổi vẫn đảm nhận chăm sóc hai cháu để vợ chồng con gái yên tâm làm việc trong thời gian đầu cho đến khi các con sắp xếp ổn thỏa công việc và cuộc sống. Ông Tân cho hay: “Khi ổn định, cháu bé sẽ được ba mẹ đón lên ở cùng; còn cháu lớn sẽ ở lại cùng ông bà học cho hết bậc phổ thông. Gia đình luôn là điểm tựa. Và khi có điểm tựa vững chắc, khó khăn nào các con cũng sẽ vượt qua để chung tay xây dựng quê hương Đắk Lắk phát triển”.
Hà My
Ý kiến bạn đọc