Những cuộc “đoàn tụ”đặc biệt
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn rất nhiều phần mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy và xác định danh tính. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các tổ chức, cơ quan chức năng và của chính các thân nhân, nhiều liệt sĩ đã được “đoàn tụ” với gia đình sau nhiều năm dài xa cách.
Hơn nửa thế kỷ chờ đợi
Vào một buổi chiều giữa tháng Bảy, chúng tôi cùng lãnh đạo xã Ea Wer tìm đến nhà ông Đào Văn Chủ (SN 1958, ở thôn 4), thân nhân thờ cúng liệt sĩ Đào Văn Phượng. Trong căn nhà cấp 4 khang trang, chúng tôi đã được nghe ông Chủ (cháu ruột của liệt sĩ) kể về hành trình tìm kiếm và đưa hài cốt của người chú trở về với gia đình.
Theo lời kể của ông Chủ, ông Đào Văn Học và bà Ngô Thị Bén ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng (cũ) sinh được 3 người con, liệt sĩ Đào Văn Phượng (SN 1946) là con trai út. Tháng 4/1964, anh Phượng lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ khi vừa tròn 18 tuổi.
Năm 1965, người anh trai cả Đào Văn Chí (bố ông Chủ) đưa vợ con di cư đến tỉnh Lào Cai khai hoang, làm kinh tế mới. Đến năm 1985, cả gia đình ông Chí lại chuyển vào xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn (cũ) lập nghiệp.
Ông Chủ nhớ lại: “Ông nội tôi kể, sau ba tháng huấn luyện thì chú út được đơn vị cho về thăm gia đình một lần rồi đi biệt tăm kể từ đó. Mãi đến năm 1977, người thân mới nhận được tin chú đã hy sinh”.
Theo nội dung của giấy báo tử, Trung sĩ Đào Văn Phượng (đơn vị C17/E24/B3) hy sinh ngày 17/10/1967 tại mặt trận phía Nam và được mai táng tại “nghĩa trang mặt trận”. Kể từ ngày nhận giấy báo tử, người thân trong gia đình luôn nghe ngóng thông tin từ các cấp để mong có thể sớm tìm thấy được hài cốt đưa về hương khói thờ tự. Và ngay cả khi ông Học và ông Chí trước lúc “nhắm mắt xuôi tay” vẫn không quên dặn dò con cháu: “Cố gắng đi tìm kiếm đưa hài cốt em, chú về quê nhà”.
Kể từ đó, ông Chủ dò hỏi thông tin về chú mình nhưng manh mối duy nhất mà ông có được là hài cốt của liệt sĩ Phượng được chôn cất ở khu vực đường Trường Sơn mà không rõ ví trị cụ thể.
![]() |
Ông Đào Văn Chủ với Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Đào Văn Phượng. |
Suốt nhiều năm tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng thì tin vui đã đến với gia đình ông Chủ. Tháng 8/2024, ông nhận được tin là hài cốt của liệt sĩ Đào Văn Phượng đã được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum (cũ) tìm thấy và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Vị trí tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Phượng nằm trên khu vực đất rẫy tại thôn Long Năng, xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, giáp ranh với huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam (cũ).
Ông Sầm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer cho biết, ngày 27/8/2024, huyện đã cử đoàn công tác cùng với đại diện thân nhân tiếp nhận hài cốt liệt sĩ Đào Văn Phượng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tu Mơ Rông và long trọng tổ chức Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Buôn Đôn (cũ).
“Mừng lắm! Nhờ sự tích cực phối hợp tìm kiếm của chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng mà sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi, gia đình tôi đã được đón chú trở về. Cuối cùng thì chúng tôi đã giữ được lời hứa với ông và bố...”, ông Chủ nghẹn ngào nói.
Một lời dặn, một hành trình
Anh Nguyễn Văn Hùng (trú thôn 1B, xã Ea M’Droh), cháu ruột của Liệt sĩ Nguyễn Vui, không giấu được xúc động khi kể lại hành trình đưa hài cốt bác ruột mình về với gia đình.
Liệt sĩ Nguyễn Vui (SN 1930), quê ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (cũ), nhập ngũ năm 1946 và công tác tại Quân khu Tả Ngạn, giữ chức vụ Đại đội trưởng. Ông hy sinh năm 1974, khi đất nước chỉ còn một năm nữa là thống nhất. Và kể từ đó, gia đình anh Hùng không rõ nơi yên nghỉ của người bác ở đâu.
Sau năm 1975, bố của anh Hùng, người em trai duy nhất còn lại của liệt sĩ Nguyễn Vui, vì hoàn cảnh khó khăn đã rời quê hương Quảng Nam vào Đắk Lắk lập nghiệp. Mặc dù cuộc sống vất vả, nhưng ông chưa từng ngơi nghỉ trong hành trình tìm kiếm tung tích của anh trai.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ea M’Droh) ghé thăm phần mộ của bác ruột - liệt sĩ Nguyễn Vui. |
Năm 2020, bố anh Hùng qua đời vì bạo bệnh, trước lúc nhắm mắt, ông chỉ kịp nhắn nhủ: “Nếu con có thể, hãy đưa bác về...”. Đối với anh Hùng, đây không chỉ là một lời trăn trối, mà là cả một sứ mệnh thiêng liêng anh mang theo, như một sự tiếp nối tình cảm và bổn phận của một người cháu trong gia đình.
Và “phép màu” đã đến. Tháng 4/2022, thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương (cũ) cho biết, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Vui đang được chôn cất tại địa phương. Tất cả thông tin đều trùng khớp, từ đơn vị chiến đấu, thời gian nhập ngũ, năm hy sinh, đến quê quán.
Sau khi xác nhận thông tin, anh Hùng đã làm đơn đề nghị các sở, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ đưa hài cốt bác ruột về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cư M’gar (cũ), gần nơi gia đình đang sinh sống.
Ngày đón liệt sĩ Nguyễn Vui trở về là một ngày thiêng liêng, đầy xúc động. Cũng trong dịp đó, anh Hùng đã được trao lại Huân chương Chiến sĩ giải phóng do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng năm 1975 và Bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ cấp năm 2006. Những phần thưởng cao quý ấy, hàng chục năm qua, bác anh chưa bao giờ được đích thân nhận.
Anh Hùng chia sẻ, gia đình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các sở, ngành, chính quyền địa phương hai tỉnh Hải Dương (cũ) và Đắk Lắk đã tận tâm hỗ trợ để ước nguyện cuối đời của người cha, nỗi mong mỏi của gia đình anh trở thành hiện thực. Nhờ đó, sau nhiều năm dài tìm kiếm, liệt sĩ Nguyễn Vui đã được trở về với những người thân yêu trong sự bùi ngùi khôn tả.
Tuyết Mai – Thúy Nga
Ý kiến bạn đọc