Multimedia Đọc Báo in

Kiên trì vận động người dân không rút bảo hiểm xã hội một lần

08:27, 11/01/2024

Trước thực trạng nhiều lao động đăng ký rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, thời gian qua BHXH tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của BHXH và không rút một lần nhằm bảo đảm cuộc sống khi về già, góp phần vào công tác an sinh xã hội.

Trước đây, chị H Plin Kbuôr (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) làm công nhân ở Bình Dương với mức lương gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Tháng 10/2022, do doanh nghiệp gặp khó khăn và cho nghỉ việc nên chị đã về quê sinh sống. Sau khi đủ thời gian nghỉ việc một năm theo quy định, cuối tháng 10/2023 chị H Plin nhờ người thân đưa đến trụ sở BHXH huyện Krông Bông để làm thủ tục rút BHXH dù biết thời gian đóng BHXH của mình chỉ mới được 1 năm 3 tháng và số tiền nhận được cũng sẽ chẳng đáng bao nhiêu.

Người dân thực hiện các thủ tục rút BHXH tại BHXH huyện Krông Bông.

Cùng thời điểm đó, BHXH huyện Krông Bông cũng tiếp nhận nhiều trường hợp là lao động đã nghỉ việc ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương trở về đến làm thủ tục rút BHXH. Theo ông Dương Thanh Sơn, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Bông, năm 2023, do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên số lượng lao động tại địa phương thất nghiệp trở về rút BHXH khá nhiều. Những trường hợp đó đều là hộ thuộc diện khó khăn nên để tiếp tục tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện đối với họ thực sự rất khó khăn. Qua công tác tuyên truyền, giải thích về lợi ích khi tham gia BHXH thì một số người đã quyết định không rút mà bảo lưu để khi nào có điều kiện đóng tiếp hoặc đợi xin việc ở doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vì kinh tế gia đình quá khó khăn khiến họ lựa chọn rút để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống.

Tương tự, tại huyện Krông Pắc, những tháng cuối năm cũng có nhiều người dân đến rút BHXH. Ngồi chờ đến lượt mình làm thủ tục nhận BHXH, chị Trương Thị Phượng (xã Ea Kly) chia sẻ, bản thân làm công nhân ở tỉnh Bình Dương được hơn 7 năm. Đến cuối năm 2022, chị nghỉ việc về quê nên quyết định rút BHXH để có thêm chút vốn làm ăn, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi được cán bộ BHXH huyện vận động không nên rút BHXH một lần thì chị đã thay đổi suy nghĩ. Chị Phương chia sẻ: “Trước đây tôi không biết nhiều đến lợi ích của việc tham gia BHXH, nhưng sau khi nghe những chính sách, quyền lợi mình nhận được thì tôi sẽ cố gắng giữ số năm đã đóng, sau này có điều kiện thì sẽ tham gia theo hình thức đóng tự nguyện để bảo đảm cho cuộc sống khi về già”.

Thực tế cho thấy, nhiều người lao động sau khi nghỉ việc ở các doanh nghiệp, đơn vị, kể cả cơ quan nhà nước khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì thường sẽ lựa chọn rút BHXH dù thời gian đóng ngắn hay dài. Hầu hết họ không nhận thức rõ ràng về các lợi ích của việc có lương hưu khi về già mà chỉ quan tâm đến một khoản tiền có thể rút để làm ăn hoặc trang trải cuộc sống trước mắt... Đây là thực trạng chung không chỉ trên địa bàn tỉnh nói riêng mà diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Cán bộ BHXH huyện Krông Pắc tuyên truyền chính sách BHXH đến chị Trương Thị Phượng (thứ hai từ trái sang).

Trong khi đó, theo quy định, người lao động tham gia BHXH lúc về già sẽ được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để được chăm sóc sức khỏe; khi qua đời thì người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân người lao động sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.

Để người dân nhận thức được những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần, thời gian qua ngành BHXH đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nơi người lao động đang làm việc, sinh sống để tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội và tư vấn trực tiếp cho người lao động khi họ đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận BHXH một lần...

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được các ngành chức năng sửa đổi một số điều khoản có lợi cho người lao động như bổ sung chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện; giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm; tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo... Hy vọng rằng, với những sửa đổi mới, có lợi cho người lao động trong Dự thảo Luật BHXH sẽ tạo động lực thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng như góp phần "giữ chân" người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.