Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở phụ nữ tuổi mãn kinh

10:09, 24/10/2021

Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, xảy ra ở phụ nữ tuổi từ 45 - 55. Trong quá trình mãn kinh, người phụ nữ thường có những thay đổi về tâm - sinh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, mãn kinh là thời kỳ phụ nữ không hành kinh nữa và chấm dứt khả năng sinh sản. Đây là giai đoạn cơ thể  phụ nữ có sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết tố nữ.

Mãn kinh diễn tiến từ từ theo tuổi tác, thường trải qua hai giai đoạn: giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh thật sự.

Giai đoạn tiền mãn kinh thường xảy ra ở tuổi từ 45 - 50, có thể kéo dài từ 2 - 5 năm (tùy người) trước khi kinh nguyệt dừng hẳn, do hoạt động buồng trứng bắt đầu suy giảm và sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesteron) dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài, dây dưa.

Giai đoạn mãn kinh thật sự thường ở tuổi từ 50 - 55 cùng với thời gian mất kinh liên tiếp 12 tháng, do buồng trứng ngưng hẳn hoạt động và ngưng tiết nội tiết tố nữ, dẫn đến kinh nguyệt mất hẳn.

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ thường bị các rối loạn, như: rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ kinh không đều, lượng kinh nguyệt có thể nhiều hơn hoặc ít hơn trước, hay bị rong kinh), rối loạn về tinh thần có thể kèm theo những rối loạn về thần kinh, tâm lý (thường không ổn định, hay cáu gắt, lo lắng, mệt mỏi, khó ngủ…); cơn bốc hỏa (tự nhiên người thấy nóng bừng ở ngực rồi lan lên cổ và mặt, hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, số lần nhiều hay ít tùy thuộc từng người, kèm theo có thể ra mồ hôi trộm.

Cơn bốc hỏa có thể xảy ra nhiều lần ban ngày rồi nhẹ vào ban đêm); ngoài ra hay có cơn choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, đánh trống ngực. Tuy nhiên, cũng có những phụ nữ không có biểu hiện của thời kỳ này, mà chuyển nhẹ nhàng từ thời kỳ hoạt động sinh sản sang hẳn thời kỳ mãn kinh.

Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn rồi sẽ tự hết, nhưng cũng có người thấy triệu chứng này nặng hơn khi đã chuyển sang giai đoạn mãn kinh thật sự.

Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh thường xuyên luyện tập thể thao để giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức khỏe.

Ở giai đoạn mãn kinh thật sự, do thiếu hụt estrogen nên dẫn đến một số thay đổi về thể chất, như: mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ hay quên, tê các đầu chi, nôn mửa, giảm thị lực, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, bốc hỏa, có khi trầm uất, dễ nóng nảy, cáu gắt; niêm mạc sinh dục dần dần teo mỏng, làm âm hộ, âm đạo khô, ngứa, rát, giao hợp đau, dễ bị xây xước và nhiễm trùng; sa sinh dục: do cơ, dây chằng vùng chậu bị nhão hơn; tiết niệu: tiểu nhiều lần, đôi khi tiểu không tự chủ; da, tóc: kém mềm mại, khô và nhăn, trổ đồi mồi, tóc khô, rụng, dễ gãy…; dễ mập, dẫn đến thừa cân hay bị béo phì, mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng và đùi; thiếu nội tiết tố khiến xương mất dần can xi và chất khoáng, dẫn đến loãng xương, xương giòn, dễ gãy…

 

Đặc biệt, ở độ tuổi này, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa, các bệnh ung thư (ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư thân tử cung, ung thư buồng trứng).

Để phòng ngừa các rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ, các bác sĩ khoa sản khuyến cáo: phụ nữ ở độ tuổi này cần có chế độ lao động, nghỉ ngơi thích hợp, có một cuộc sống vui tươi, thoải mái, tránh những lo âu, phiền muộn; không nên lao động nặng nhọc nhưng cũng không nên lười vận động vì nếu lười vận động sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương, bệnh tim mạch.

Nên làm một số công việc cụ thể phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh cụ thể từng người. Ngoài ra, nên tập thể dục, tốt nhất là tập dưỡng sinh, đi bộ.

Về dinh dưỡng, tránh ăn những thức ăn không có lợi cho sức khỏe, nhất là các loại mỡ động vật, không ăn quá mặn hoặc quá ngọt; cần ăn nhiều rau quả tươi và sữa giàu can xi để giảm nguy cơ loãng xương; nên ăn các thức ăn cung cấp nhiều can xi như tôm, cua, cá; có thể dùng Mg (đậu, rau xanh), vitamin AD (dầu cá), vitamin D có trong sữa, cá hồi, cá ngừ, vitamin E, vitamin C.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.