Multimedia Đọc Báo in

Chủ động thích ứng với trạng thái "bình thường mới” trong phòng, chống dịch COVID-19

07:07, 12/11/2021

Để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong trạng thái "bình thường mới", chuyển từ trạng thái chống dịch “Zero COVID” sang sống chung với dịch, ngành y tế tỉnh đã và đang triển khai nhiều phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Đủ điều kiện, sẽ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà

Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, ngành y tế đã có kế hoạch thu dung điều trị bằng cách nâng cấp tất cả các cơ sở y tế, ngoài điều trị bệnh thông thường các cơ sở này đều phải thực hiện thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 với phương châm có thể thành lập các khoa hoặc đơn nguyên.

Song song với đó, ngành y tế cũng chú trọng nâng cao chất lượng điều trị với quan điểm, mục tiêu là điều trị chặn ngay từ tầng 1 và tầng 2, không để chuyển lên tầng 3 nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Đối với vấn đề nâng cao chất lượng điều trị, sau khi tỉnh đề xuất, Bộ Y tế đã cử tổ công tác vào hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cũng như hướng dẫn cụ thể về công tác hồi sức cho tuyến tỉnh để các y bác sĩ có cơ sở vững tin điều trị và tiếp tục hướng dẫn tới các cấp cơ sở nhằm đảm bảo phương châm "4 tại chỗ" ở thời điểm hiện tại.

Nhân viên y tế phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 3.420 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh đã có kế hoạch tăng số giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 lên 5.580 giường trên tất cả các tuyến, trong đó tầng 1 là 3.800 giường với 4 cơ sở điều trị, tầng 2 là 1.280 giường với 16 cơ sở điều trị và tầng 3 là 500 giường bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã dự thảo Kế hoạch quản lý và chăm sóc sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà với việc tổ chức điều trị tại nhà đối với F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, các trường hợp là F0 tái nhiễm, F0 không có bệnh lý nền, F0 không có triệu chứng hoặc các trường hợp F0 đã tiêm vắc xin, có chỉ số CT (chỉ số phản ánh lượng vi rút SARS-CoV-2 trong cơ thể) trên 30, nếu gia đình bệnh nhân có đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện theo quy định sẽ tiến hành cho cách ly điều trị tại nhà với những túi thuốc ngành y tế đã chuẩn bị gồm kháng viêm, vitamin các loại...

Về nguồn nhân lực, ngành y tế đã thiết lập các trạm y tế lưu động, tổ giám sát cộng đồng và sẽ kêu gọi các phòng khám tư nhân đóng trên địa bàn tham gia vào quản lý bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng.

Một trong những yếu tố quan trọng khi thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà là chuẩn bị đầy đủ ô xy. Từ đầu tháng 10, ngành y tế đã chủ động kêu gọi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ. Trong đó, Công ty Cổ phần Đại Nam đã hỗ trợ cho tỉnh một trạm sản xuất ô xy; bên cạnh đó, công ty này cùng các doanh nghiệp đã ủng hộ cho tỉnh trên 500 bình ô xy các loại, chuyển xuống các trạm y tế để sẵn sàng khi triển khai điều trị F0 tại nhà.

Huy động tối đa nguồn lực vắc xin phòng COVID-19 cho tỉnh

Theo tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đắk Lắk, qua làm việc với Sở Y tế, đi thực tế tại TP. Buôn Ma Thuột và một số cơ sở y tế, Tổ nhận thấy công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cơ bản đã triển khai đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Bộ Y tế là chuyển đổi sang trạng thái thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả.

Tuy nhiên tỉnh phải củng cố, bổ sung thêm điều kiện về hạ tầng, thiết lập hệ thống y tế, đặc biệt hệ thống điều trị phân tầng đáp ứng được nhu cầu, phòng khi dịch trên địa bàn có thể lên cấp độ 4. Điều này hết sức quan trọng, bởi khi thích ứng an toàn mà có hệ thống y tế đáp ứng thì giảm khả năng tử vong, giảm nhập viện – đây là mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 3, thời điểm này, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung mọi nguồn lực sẵn sàng triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc xin, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả, nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ, tỷ lệ sử dụng vắc xin trên địa bàn trong thời gian sớm nhất; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng nguy cơ, các khu vực có nguy cơ trên địa bàn.

Tiến sĩ Cao Hưng Thái cho biết thêm, hiện nay, Đắk Lắk là tỉnh có nguy cơ dịch COVID-19 tăng cao, do vậy quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ huy động tối đa nguồn lực vắc xin cho Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, bảo đảm nhu cầu tiêm chủng trước hết phải phủ hết mũi 1 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và phủ rộng mũi 1 cho đối tượng 12 - 17 tuổi. Đối với đối tượng nguy cơ cao như người từ 50 tuổi trở lên phải phủ mũi 2 đạt 100%. Với điều kiện đó chúng ta mới đảm bảo thực hiện mục tiêu chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Y tế cấp 12 đợt vắc xin phòng COVID-19 với tổng số gần 1.260.000 liều. Toàn tỉnh đã tiêm 1.196.525 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 1.067.763 liều (đạt tỷ lệ 79,98% dân số đích), tiêm 2 mũi là 128.762 liều (đạt tỷ lệ 9,65% dân số đích).

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.