Multimedia Đọc Báo in

Không nên đổ xô đi test kháng thể COVID-19

12:10, 14/11/2021

Với tâm lý của muốn tìm hiểu về nồng độ kháng thể trong cơ thể mình có được sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi mắc COVID-19, những ngày gần đây, nhiều người dân đã đổ xô làm dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2 và tỏ ra hoang mang khi nhận được kết quả xét nghiệm cho chỉ số thấp hoặc nhầm lẫn giữa kết quả test kháng thể và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Thấy nhiều trang mạng và một số cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quảng cáo về việc test kháng thể COVID-19, chị N.T.M. (trú TP. Buôn Ma Thuột) cũng tò mò muốn biết test kháng thể là gì và muốn kiểm tra xem cơ thể mình đã có kháng thể sau khi tiêm 2 mũi vắc xin hay chưa.

Chị M. kể: “Tôi và người bạn cùng tiêm một loại vắc xin vào cùng một ngày, nhưng khi làm test kháng thể, bạn tôi hiện lên 2 vạch còn tôi thì không lên vạch nào. Điều này khiến tôi thật sự hoang mang, phải chăng cơ thể tôi chưa có kháng thể nên kết quả mới như vậy?”.

Cũng đi test kháng thể, nhưng trái với chị N.T.M., anh T.V.K. (trú TP. Buôn Ma Thuột) có kết quả test kháng thể 2 vạch. Tuy nhiên, khi anh chụp và đăng kết quả test kháng thể của mình lên mạng xã hội, người thân và bạn bè anh hoang mang, lo lắng liên tục nhắn hỏi có phải anh dương tính với vi rút SARS-CoV-2 không?

“Nhiều người nhầm lẫn giữa test kháng thể và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dẫn tới hoang mang dư luận, khiến tôi phải đăng thông tin đính chính. Thật sự tôi không biết giá trị test kháng thể có đúng không nhưng tôi thấy mọi người rủ nhau đi test nên tôi cũng đi kiểm tra thử”, anh K. chia sẻ.

Tùy từng nhóm người, từng độ tuổi, từng thời gian mỗi loại vắc xin có tỷ lệ tạo kháng thể khác nhau. Ảnh: Quang Nhật

Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, đầu tiên phải tiêm đủ 2 mũi để tạo kháng thể COVID-19. Hiện tại, chúng ta đang sử dụng rất nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 như AstraZeneca, Pfizer, Vero Cell, Moderna, Sinopharm… Tất cả các vắc xin này khi tiêm vào cơ thể, tùy từng nhóm người, từng độ tuổi, từng thời gian sẽ có có tỷ lệ tạo kháng thể khác nhau, mỗi giai đoạn kết quả xét nghiệm sẽ khác nhau nên việc xét nghiệm đo kháng thể hầu như không mang lại giá trị nhiều. Do đó, việc test kháng thể là không cần thiết, tốn kém, lãng phí và dễ gây hoang mang trong dư luận. Ngành y tế không khuyến khích việc người dân test kháng thể và Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ y dược, thanh tra và các phòng y tế trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát việc xét nghiệm kháng thể cũng như mức giá xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân.

Kháng thể là các protein đặc biệt mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng, là hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút. Mục tiêu của việc tiêm vắc xin là phòng bệnh. Chính vì thế, dù ít hay nhiều kháng thể, nếu đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh, bạn đã có một hệ thống hoàn hảo trong cơ thể để chống lại vi rút ở lần tấn công sau, xác suất bệnh nặng sẽ thấp hơn rất nhiều so với những người chưa tiêm vắc xin.

“Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, do đó, khi chính quyền địa phương và ngành y tế triển khai tiêm vắc xin, người dân không nên lựa chọn vắc xin để tiêm. Trong thời gian chờ đợi, lựa chọn, chẳng may vô tình mắc bệnh thì bệnh sẽ có thể diễn tiến nhanh, gây nguy hiểm cho tính mạng người mắc bệnh. Do đó, khi ngành y tế triển khai tiêm bất kỳ vắc xin nào, người dân nên tiêm thật sớm để bảo vệ sức khỏe cho mình”, bác sĩ Nay Phi La nhấn mạnh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.